Một đại vương xin một đạo sĩ Sufi một cẩm nang có thể giúp mình trong mọi trường hợp xấu tốt, thành bại, sống chết. Ðạo sĩ đưa cho nhà vua chiếc nhẫn kim cương của mình và bảo : “Có một thông điệp trong này, nhưng chỉ khi nào vua thực sự lâm vào thế bí mới được mở ra, không được mở ra chỉ vì tò mò.”
Nhiều lần vua rất tò mò muốn biết cái gì ở dưới viên kim cương ấy, nhưng chống lại cơn cám dỗ vì giữ lời hứa với đạo sĩ.
Mười năm sau, đất nước bị xâm chiếm, vua phải bỏ chạy vào rừng. Kẻ thù đang rượt đuổi sau lưng, tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần. Vua thúc ngựa phi thật nhanh cho đến khi cả người lẫn ngựa đều mệt lả. Thình lình vua đối diện một hố thẳm, không thể quay lui vì sau lưng kẻ thù đang rượt, cũng không thể nhảy xuống hố vì sẽ cầm chắc cái chết. Vua chỉ còn nước dừng lại chờ. Bỗng chốc nhớ đến chiếc nhẫn, vua tháo viên kim cương ra và tìm thấy một mảnh giấy ghi : “Ngay việc này rồi cũng sẽ qua đi”. Tự nhiên một niềm bình thản lớn lao ngự trị trong tâm hồn nhà vua : “Việc này rồi cũng sẽ qua đi.”
Và sự việc xảy ra đúng như thế. Tiếng vó ngựa quân thù mỗi lúc một xa dần, vì họ đã rẽ sang đường khác. Vua thu thập quân binh, chiến đấu chiếm lại vương đô. Cả kinh thành vui mừng trang hoàng đẹp đẽ, rắc đầy hoa tươi để đón rước nhà vua hồi cung.
Vua bỗng cảm thấy một niềm kiêu hãnh lớn nổi lên, và ông nhớ lại thông điệp “Rồi việc này cũng sẽ qua đi”, khi ấy niềm kiêu hãnh tan biến, tất cả những tràng hoa, sự tung hô vạn tuế trở thành trò con trẻ. Quả thực câu ấy đã có ích trong khi thất bại cũng như lúc thành công. Nó trở thành thiền định của ông, câu thần chú của ông. Từ đấy dù bất cứ việc gì xảy ra, tự thâm tâm vua cũng đều thầm nhủ “rồi nó sẽ qua đi”.
Nếu bạn có thể nhớ điều ấy, thì dù bất cứ việc gì xảy đến, bạn cũng chỉ làm một người chứng kiến “Ðiều này nữa cũng sẽ qua đi.”
Sự chứng kiến như vậy gọi là ý thức tỉnh giác.
Trích báo Tuệ Uyển số 37, tháng 11/2003