Một vị vua ở xứ nọ có đứa con trai độc nhất là thái tử. Một hôm thái tử lâm bệnh và mất trí, quên mất mình là con vua mà cứ tưởng mình là một con gà tây. Anh ta cởi hết quần áo chui xuống gầm bàn ngồi chồm hổm, kêu lên những tiếng như gà tây và nhặt ăn những hạt cơm rơi. Sự kiện này khiến nhà vua đau khổ vô cùng khi thấy đương kim thái tử, người sẽ nối ngôi mình sau này, hiện đang điên khùng làm một con gà tây. Vua và hoàng hậu liền triệu tập tất cả danh sư và danh-y trong nước để tìm cách chữa trị cho thái tử. Hết danh sư, danh-y đến các đạo sư và hiền triết, ai nấy đều cố gắng hết sức nhưng vô hiệu, thái tử vẫn cứ khùng và làm gà tây. Thời giờ thấm thoát qua mau, một ngày kia có một hiền giả (tạm gọi là hiền giả thôi vì bề ngoài ông ta hơi luộm thuộm và bê bối, ăn mặc không đúng kiểu cách của các hiền giả khác) đến gặp vua xin chữa bệnh cho thái tử. Tuy thấy vị hiền giả này hơi bê bối, không oai nghi đạo mạo nhưng ngặt vì cả năm rồi, các danh sư và danh-y đều đã bó tay hết nên nhà vua phải đành chấp thuận.
Thật ngoài sức tưởng tượng, ngay trước mặt vua, vị hiền giả kia cởi hết quần áo, chui xuống gầm bàn ngồi ngay bên cạnh thái tử và làm giống y như thái tử, kêu lên những tiếng như gà tây và nhặt ăn những hạt cơm rơi. Thái tử con vua thấy vậy la lên: ‘Ông có khùng không! Ai bảo ông làm giống tôi. Bộ ông không thấy tôi là một con gà tây hả!’. Vị hiền giả trả lời: ‘Tôi cũng là một con gà tây mà!’.
Từ từ hai con ‘gà tây người’ làm quen và bắt đầu nói chuyện với nhau, người ngoài nhìn vào chỉ thấy hai gã đàn ông trần truồng ngồi chồm hổm dưới gầm bàn nhặt ăn những hạt cơm rơi. Thấy thế vua và cận thần lắc đầu chán nản bỏ đi.
Hai con ‘gà tây người’ kia bắt đầu đùa giỡn với nhau, kể chuyện cho nhau nghe và chế nhạo loài người. Thời giờ trôi qua, một ngày kia con gà tây già (tức vị hiền giả) bỗng nhiên đòi ăn vài món ở trên bàn vua. Con gà tây trẻ (tức thái tử) la lên: ‘Bộ ông khùng hả! Tại sao lại bắt chước ăn giống tụi nó?’. Gà tây già trả lời: ‘Chú đừng có lo! Ðâu phải vì mình ăn giống họ mà mình trở thành con người như họ, mình vẫn là gà tây kia mà!’. Thế là hai con gà tây trước kia chỉ nhặt cơm rơi dưới đất ăn, nay bắt đầu vói tay lấy những thức ăn trên bàn. Thời giờ lại trôi qua, một ngày kia con gà tây già mặc một cái quần đùi và đi vớ vào. Con gà tây trẻ lại la lên: ‘Bộ ông điên hả! Tại sao lại ăn mặc giống tụi nó?’. Gà tây già ôn tồn trả lời: ‘Chú đừng lo, đừng sợ. Mình chỉ đùa giỡn mặc giống họ thôi, chứ mình vẫn là gà tây kia mà!’. Câu chuyện cứ thế tiếp tục, cho đến một ngày kia con gà tây trẻ hoàn toàn trở lại thành một thái tử.
Trong đạo Phật có một pháp môn gọi là Tứ Nhiếp Pháp, tức bốn cách thức thâu phục và chuyển hóa người khác, đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
Bố thí và ái ngữ tương đối dễ làm, nhưng lợi hành và đồng sự thì rất khó. Chỉ những người có tâm địa bồ tát đại thừa, không câu nệ chấp trước vào hình tướng, sẵn sàng hy sinh danh dự quyền lợi cá nhân để cứu giúp kẻ khác, mới dám thực hành lợi hành và đồng sự.
Lợi hành là làm những việc có lợi cho kẻ khác để độ họ. Một người ham danh ham tiền mà bảo họ bỏ hết đi tu thì chắc gì họ đã nghe. Nhưng nếu mình giúp họ đạt được danh lợi rồi từ từ khuyên răn thì họ sẽ dễ nghe theo mình hơn.
Ðồng sự là làm những công việc giống như kẻ khác để độ họ. Muốn hóa độ một kẻ ăn trộm thì mình cũng phải làm giống như ăn trộm rồi từ từ khuyên họ bỏ nghề ăn trộm.
Tứ nhiếp pháp là một phương tiện thiện xảo của hàng bồ tát độ sinh, người thường khó mà làm được, nếu đạo lực chưa đủ mà muốn bắt chước làm bồ tát thì sẽ bị chúng sinh độ lại. Trong câu chuyện trên, ta thấy vị hiền giả luộm thuộm bê bối kia chính là một bồ tát, sẵn sàng từ bỏ chức vị hiền giả, tự tại cởi truồng làm một con gà tây, nhặt những hạt cơm rơi mà ăn để độ một kẻ khùng.
Mọi sự vật ở đời đều tương đối, không những có hai mặt mà có muôn mặt. Ta không thể đánh giá sự vật và con người qua hình tướng bề ngoài và qua sự nhận thức chủ quan của ta. Tôi không khuyên bạn làm giống như vị hiền giả gà tây kia mà khuyên bạn hãy dè dặt trong việc đánh giá các thầy tu. Có những vị thầy đắp y, đội mão, mang hia, đi đứng trang nghiêm để độ đa số quần chúng, vì đa số cần có những vị thầy như thế, những vị thầy đạo đức. Nhưng căn tánh của chúng sinh không đồng đều, có những người rất kỵ và lánh xa các vị thầy đạo đức, trang nghiêm vì họ nghĩ rằng các thầy này chỉ biết có Phật, có pháp và chùa của thầy thôi, không biết gì về đời, không hiểu gì về hoàn cảnh khổ đau của họ. Họ không cần một ông thầy đạo đức để tôn sùng mà cần một bạn hữu biết thông cảm chia xẻ niềm đau nỗi khổ của họ. Chính để độ những người này, chúng ta cần có những ông thầy như thầy gà tây trong câu chuyện, hoặc những thiền sư đầu đường xó chợ, ăn xin dưới gầm cầu.
Trích sách Góp Nhặt
Thích Trí Siêu