Con ruồi nhỏ, nhỏ xíu, vậy mà cái nhỏ xíu đó đôi khi lại là nguyên nhân của những việc tày đình. Rất có thể hai vợ chồng đâm đơn ra tòa ly dị nhau chỉ bởi một con ruồi. Ai mà lường trước được những việc thần kỳ đó!
Tôi ốm. Ðiều đó vẫn thỉnh thoảng xảy ra cho những người khỏe mạnh. Và vợ tôi pha cho tôi một ly sữa. Tôi nốc một hơi cạn đến nửa ly và phát hiện ra trong ly có một con ruồi. Con ruồi đen bập bềnh trong ly sữa trắng, “đẹp” kinh khủng!
Thế là mọi chuyện bắt đầu.
Tôi vốn rất kỵ ruồi, cũng như gián, chuột, nói chung là kỵ tất thảy các thứ dơ bẩn đó. Tôi đang nằm mà nghe tiếng chuột bò sột soạt trong bếp là tôi không tài nào nhắm mắt được. Thế nào tôi cũng vùng dậy lùng sục, đuổi đánh cho kỳ được. Bằng không, thì cứ gọi là thức trắng đêm.
Vậy mà bây giờ, một trong những thứ tôi sợ nhất lại nhảy tót vào ly sữa tôi đang uống, và đã uống, nói trắng ra là nhảy tót vào mồm tôi. Biết đâu ngoài con ruồi chết tiệt trong ly kia, tôi lại chẳng đã nuốt một con khác vào bụng. Mới nghĩ đến đó, tôi đã phát nôn.
Thấy tôi khạc nhổ luôn mồm, vợ tôi bước lại, lo lắng hỏi:
– Sao vậy anh?
Tôi hất đầu về phía ly sữa đặt trên bàn:
– Có người chết trôi kia kìa!
Vợ tôi cầm ly sữa lên:
– Chết rồi! ở đâu ra vậy cà?
– Còn ở đâu ra nữa? Ố! Tôi nhấm nhẳng: Ố! Chứ không phải em nhặt con ruồi bỏ vào ly cho anh à?
Vợ tôi nhăn mặt:
– Anh đừng có nói oan cho em! Chắc là nó mới sa vào!
– Hứ, mới sa hay sa từ hồi nào, có trời mà biết?
Vì tôi đang ốm nên vợ tôi không muốn cãi cọ, cô ta nhận lỗi:
– Chắc là do em bất cẩn. Thôi để em pha cho anh ly khác.
Tôi vẫn chưa nguôi giận:
– Em có pha ly khác thì anh cũng đã nuốt con ruồi vào bụng rồi.
Vợ tôi trố mắt:
– Nó còn trong ly kia mà!
– Nhưng mà có tới hai con lận. Anh uống một con rồi.
– Anh thấy, sao anh còn uống?
– Ai mà thấy!
– Không thấy sao anh biết có hai con?
Tôi tặc lưỡi:
– Sao lại không biết? Uống vô khỏi cổ họng, nghe nó cộm cộm là biết liền.
Vợ tôi bán tín bán nghi. Nhưng vì tôi đang ốm, một lần nữa cô ta sẵn sàng nhận khuyết điểm:
– Thôi, lỗi là do em bất cẩn! Ðể em…
Tôi là tôi chúa ghét cái kiểu nhận lỗi dễ dàng như vậy.
Do đó, tôi nóng nảy cắt ngang:
– Hừ, bất cẩn, bất cẩn! Sao mà em cứ bất cẩn cả đời vậy?
Vợ tôi giật mình:
– Anh bảo sao? Em làm gì mà anh gọi là bất cẩn cả đời?
– Chứ không phải sao?
– Không phải!
A, còn bướng bỉnh! Tôi nheo mắt:
– Chứ hôm trước ai ủi cháy cái quần của anh?
– Thì có làm phải có sai sót chứ! Anh giỏi sao anh chẳng ủi lấy mà cứ đùn cho em?
– Ái chà chà, cô nói với chồng cô bằng cái giọng như thế hả? Cô nói với người ốm như thế hả? Cô bảo tôi lười chảy thây chứ gì? Cô so sánh tôi với khúc gỗ phải không? Ái chà chà…
Thấy tôi kết tội ghê quá, vợ tôi hoang mang:
– Em đâu có nói vậy!
– Không nói thì cũng như nói! Cô tưởng cô giỏi lắm phỏng? Thế tháng vừa rồi ai làm cháy một lúc hai cái bóng đèn, tháng trước nữa ai phơi quần áo bị đánh cắp mà không hay? Cô trả lời xem!
Vợ tôi nhún vai:
– Anh lôi những chuyện cổ tích ấy ra làm gì? Hừ, anh làm như anh không bất cẩn bao giờ vậy? Anh có muốn tôi kể ra không? Tháng trước ai mở vòi nước quên tắt để cho nước chảy ngập nhà? Anh hay tôi? Rồi trước đó nữa, ai làm mất chìa khóa tủ, phải cạy tủ ra mới lấy được đồ đạc?
Tôi khoát tay:
– Nhưng đó là chuyện nhỏ nhặt! Còn cô, năm ngoái cô lấy mấy ngàn bạc cho bạn bè mượn bị nó gạt mất, sao cô không kể luôn ra?
– Chứ còn anh, sao anh không kể chuyện anh đi coi bóng đá bị mất xe đạp? Rồi năm ngoái, ai nhậu xỉn bị lột mất đồng hồ?
Cứ như thế, như có ma quỷ xui khiến, hai vợ chồng thi nhau lôi tuột những chuyện đời xửa đời xưa của nhau ra và thay nhau lên án đối phương, không làm sao dừng lại được. Tôi quên phắt là tôi đang ốm. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi mải mê vận dụng trí nhớ vào việc lùng sục những khuyết điểm từng từng lớp lớp của nhau. Và thật lạ lùng, có những chuyện tưởng đã chìm lấp từ lâu dưới lớp bụi thời gian, tưởng không tài nào nhớ nổi, thế mà bây giờ chúng lại hiện về rõ mồn một và chen nhau tuôn ra cửa miệng. Từ việc tôi ngủ quên tắt ra-dô đến việc vợ tôi mua phải cá ươn, từ việc tôi bỏ đi chơi ba ngày liền không về nhà đến việc vợ tôi đi dự sinh nhật bạn đến mười hai giờ khuya, v.v…và v.v… chúng tôi thẳng tay quậy đục ngầu quá khứ của nhau và vẽ lên trước mặt mình một bức tranh khủng khiếp về đối tượng.
Trời ơi! Thế mà trước nay tôi vẫn sống chung với con người tệ hại đó! Thật chẳng thể tưởng tượng nổi! Tôi cay đắng nhủ thầm và bùng dậy quyết tâm phá vỡ cuộc sống đen tối đó. Tôi đập tay xuống bàn, kết thúc cuộc tranh cãi:
– Thôi, tra khảo hành hạ nhau thế đủ rồi! Tóm lại là tôi hiểu rằng tôi không thể sống chung với cô được nữa. Tôi ngán tới tận cổ rồi!
Vợ tôi lạnh lùng:
– Tùy anh!
Câu đáp cộc lốc của vợ không khác gì dầu đổ vào lửa. Tôi nghiến răng:
– Ðược rồi! Cô chờ đấy! Tôi làm đơn xin ly hôn ngay bây giờ.
Tôi lập tức ngồi vào bàn và bắt đầu viết đơn. Ngòi bút chạy nhoáng nhoáng trên giấy với tốc độ 100 km/giờ. Viết và ký tên mình xong, tôi đẩy tờ đơn đến trước mặt vợ. Cô ta cầm bút ký rẹt một cái, thậm chí không thèm liếc qua xem tờ đơn viết những gì.
Thế là xong! Tôi tặc lưỡi và thở ra, không hiểu là thở phào hay thở dài. Cuộc đời cứ như xi-nê-ma, nhưng biết làm thế nào được?
Ký tên xong, vợ tôi đứng lên và cầm lấy ly sữa.
– Cô định làm gì đấy?
– Ðem đổ đi chứ làm gì?
– Không được, để ly sữa đấy cho tôi! Tôi phải vớt con ruồi ra, gói lại, đem đến tòa án làm bằng cớ.
Ðặt ly sữa xuống bàn, vợ tôi lẳng lặng đi vào phòng ngủ, đóng sập cửa lại. Trong khi đó, tôi hùng hục lấy muỗng vớt con ruồi ra.
Tôi ngắm con ruồi nằm bẹp dí trên đầu muỗng và có cảm giác là lạ. Tôi đưa con ruồi lên sát mắt, lấy tay khảy nhẹ và điếng hồn nhận ra đó là một mẩu lá trà.
Trích báo Tâm Giác tháng 1 năm 2003. ÐH Thanh Huệ đánh máy lại