Vào thời Phật tại thế, có một vị trưởng lão tên là Pothila. Vị sư này lão thông tam tạng và thường tuyên đọc giáo lý cho một nhóm 500 vị tỳ kheo nghe. Chỉ hiềm có một điều là sư chưa chứng được quả thánh nào cả. Để giúp sư, đức Thế Tôn thường gọi sư là “Pothila rỗng” mỗi khi tiện dịp. Chẳng hạn như mỗi lần sư đến bên đức Phật, ngài bảo:
– Hãy đến đây Pothila rỗng!
– Ngồi xuống đi, Pothila rỗng!
– Hãy đi đi, Pothila rỗng! v.v…
Và khi trưởng lão Pothila đã rời khỏi ghế, đi ra, Phật còn nói:
– Pothila rỗng đã đi.
Trưởng lão Pothila thầm nghĩ: “Ta đọc tụng thông thuộc cả tam tạng và chú giải cũng rành mạch không kém, ta là thầy giáo thọ cho 500 tỳ kheo và 18 hội chúng, vậy mà đức Thế Tôn vẫn gọi ta là “Pothila rỗng”. Chắc tại vì ta chưa phát triển chánh định nên ngài gọi như thế”.
Cảm thấy bị kích động, sư tự nhủ: “Ta sẽ vào rừng để thiền định”. Chiều hôm ấy, sau khi giảng kinh xong, đợi lúc trời nhá nhem tối, trưởng lão mang y bát, nối gót theo nhóm thính chúng cuối cùng ra khỏi pháp đường. Các thầy tỳ kheo ngồi trong phòng đọc kinh nhưng chẳng hề hay biết gì về vị pháp sư của mình.
Sau khi đi khoảng 120 dặm đường, trưởng lão Pothila gặp một cụm rừng là nơi ẩn cư của 30 vị tỳ kheo. Sư đến chào vị trưởng chúng, thưa:
– Bạch trưởng lão, xin ngài hãy chỉ dạy cho con.
– Này tôn giả, ngài là một vị giảng sư,chúng tôi còn phải học với ngài, sao ngài lại nói thế?
– Thưa trưởng lão, xin ngài đừng từ chối mà hãy chỉ dạy cho con.
Tất cả các vì tỳ kheo ngụ tại khu rừng này đều đã đắc A la hán. Vị trưởng chúng nghĩ thầm: “Ông sư này là người học rộng, có lẽ ông đầy lòng kiêu hãnh” và thầy từ chối chỉ dạy và gửi Pothila xuống cho đệ nhị tòa. Pothila cũng cung kính xin học hỏi với vị sư này, nhưng đệ nhị tòa lại đẩy sang đệ tam tòa. Và cứ như thế, cho đến người nhỏ nhất trong chúng: một chú tiểu 7 tuổi đang ngồi khâu áo. Kiêu khí của Pothila cũng tụt dần cho đến mức thấp nhất. Trưởng lão Pothila đến bên chú tiểu, chắp tay cung kính:
– Thưa tôn giả, xin ngài hãy chỉ dạy cho con.
– Ồ, pháp sư, ngài nói gì thế? Ngài lớn hơn tôi về tuổi tác cũng như học thức, tôi còn phải học thêm ở ngài nữa mà.
– Bạch tôn giả, xin ngài đừng từ chối. Hãy chỉ dạy cho con.
– Thưa tôn giả, nếu ngài có đủ kiên nhẫn làm theo lời tôi, tôi sẽ hướng dẫn ngài.
– Con sẽ kiên nhẫn tất cả. Nếu ngài dạy con nhảy vào lửa, con cũng nhảy theo.
Nhìn bộ y phục đắt giá của Pothila, chú tiểu chỉ một cái ao gần đó:
– Xin ngài hãy để nguyên y phục và nhảy xuống ao.
Thấy y phục của vị trưởng lão này đã ướt đẫm, chú tiểu bảo:
– Hãy leo lên.
Trưởng lão Pothila liền leo lên đứng cung kính trước mặt chú tiểu. Chú giảng dạy:
– Này tôn giả, như một cái hang có sáu cửa ngõ. Một con dế chun vào hang. Ai muốn bắt nó phải bịt năm cửa, chỉ chừa một cửa là tóm được nó ngay. Tôn giả hãy quán sát sáu căn của mình. Đóng năm căn lại và tập trung trọng tâm vào ý căn.
Nghe qua lời nói của chú tiểu, trưởng lão Pothila hốt nhiên tỉnh ngộ, nói:
– Bấy nhiêu cũng đủ rồi.
Trưởng lão liền nhập định. Đức Thế Tông ở cách đó 100 dặm biết rằng tôn giả này sẽ đắc quả, ngài liền hóa thân đến trước mặt Pothila, đọc kệ. Bài kệ này trở thành câu Pháp cú 282 và được lưu truyền cho đến ngày nay:
“Do thiền định trí tuệ phát sinh. Không hành thiền trí tuệ phai mờ. Biết rõ những điều lợi hại này. Hãy thực hành để phát triển trí tuệ”.
Trích Truyện Phật giáo tuyển tập. Học viện Buddhadhamma.