Trong giới thiền môn thuờng có câu công án : thế nào là bổn lai diện mục của ông ? Có nghĩa là mặt mũi xưa nay của ông là gì ? Câu trả lời thật ra cũng dễ thôi, đó là cái tâm. Nhưng vấn đề khó ở chỗ là có nhận ra hay thấy được cái tâm đó chưa ? Nhận ra được rồi thì làm gì ? Phiền não có được chuyển hóa không ? Bản ngã còn không ?
Nếu tôi hỏi bạn: thế nào là bầu trời xưa nay (original sky) ? Bạn sẽ chỉ lên trời và nói kia là bầu trời. Nhưng bầu trời mà bạn chỉ tôi, nó không phải là bầu trời bổn lai (origine) mà toàn là mây đen hoặc mây trắng và trong đầu óc bạn, bạn cho những đám mây đen, mây trắng đó là bầu trời. Mỗi khi nói đến bầu trời thì bạn chỉ nói : bầu trời của tôi hôm nay đen hoặc bầu trời của tôi trắng, hoặc cả đen lẫn trắng. Loanh quanh lẩn quẩn bầu trời của bạn chỉ gom lại trong những đám mây đen, mây trắng, mây to mây nhỏ, mây hình này mây hình kia.
Rồi một hôm tôi đi cùng với bạn để xem bầu trời, hôm đó trời không nhiều mây lắm, chỉ lác đác vài đám mây trắng trôi lờ lững, tôi mới chỉ cho bạn thấy bầu trời thực sự xưa nay (origine) là cái nền màu xanh lơ ẩn hiện sau những làn mây kia. Ðó là lần đầu tiên bạn tỉnh ngộ và nhận ra thế nào là bầu trời thực sự xưa nay, nó không phải là những đám mây, làn mây hay cụm mây như bạn đã tưởng. Ðây gọi là liễu ngộ, thoáng nhận ra. Nhờ liễu ngộ bầu trời bổn lai, nên gặp những lúc giông bão với bầu trời đen ngòm tối nghịt, bạn vẫn biết đó không phải là bầu trời bổn lai và bạn sẽ an nhiên chờ cho cơn mưa tạnh để thấy lại bầu trời bổn lai. Và mầu nhiệm thay, sau cơn mưa bạn ngẩng mặt nhìn lên thì bầu trời lần này khác hẳn với những lần trước kia, nó trong xanh và đẹp một cách kỳ diệu, không còn gợn một chút mây nào, tâm hồn của bạn cũng nhẹ nhàng như bay bổng và hoà nhập với vũ trụ. Ðây gọi là chứng ngộ, cái thoáng hiện ra trước kia nay được hiển lộ hoàn toàn (bổn tánh hiển lộ toàn thân).
Xưa nay chúng ta luôn sống trong vọng tưởng, vọng tình, ham muốn, ao ước, tính toán, vui, buồn, giận, lo, yêu, ghét, mừng, sợ, khổ, nhục, v.v… đó là những đám mây che phủ bầu trời tâm mà ta cứ tưởng đó là tâm mình, là mình. Tưởng lầm như vậy gọi là mê.
Tâm, Phật, chúng sinh tuy ba mà một. Khi mê không nhận ra bổn tâm (hay bổn lai diện mục) thì tâm kia trở thành chúng sinh đau khổ, khi nhận ra được bổn tâm và trở về an trú trong bổn tâm thanh tịnh (trong sạch) đó thì tâm trở thành Phật.
Vấn đề nhận ra bổn tánh kể ra cũng không khó lắm, nhiều khi có vẻ quá dễ nên chư tổ phải dùng phương tiện nói úp nói mở khiến nó trở nên huyền bí. Cái khó nhất là sau khi nhận ra được bổn tánh rồi, phải làm sao duy trì nó, sống với nó, và an trụ trong nó, không để cho những đám mây vọng tưởng vọng tình (tức là những tập khí chấp ngã thâm căn cố đế) khởi lên che phủ trở lại làm ta lãng quên đi cái thấy ban đầu. Vì thế nên mới phải ra công dụng sức, mới có công phu tu tập. Cái gì khổ công tìm cầu, khi nhận ra được mới thấy quý. Người đi tìm vàng phải cực nhọc đào mỏ, giật mìn, đập đá, phải sàng bụi lọc cát kiếm từng hạt từng viên vàng một. Khi tìm thấy được thì họ la hét reo mừng đúng là bắt được của. Ngược lại, nếu một đứa trẻ con nhà giàu chưa biết đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm tiền sống qua ngày, mà cha mẹ cho nó một hạt kim cương thì có thể nó sẽ lấy đem đổi để lấy một phong kẹo chocolat hay tệ hơn nữa là đem chơi bắn bi.
Trở về bổn lai diện mục, nếu nhận ra được thì sự tu tập sẽ dễ dàng hơn vì biết cái nào là bầu trời xanh trong để trở về an trụ, và biết cái nào là những đám mây đen trắng không nên bám theo. Nhưng dù có nhận ra được bổn tánh hay không thì người tu vẫn phải tiếp tục tu hành như thường, giống như bao nhiêu người khác, có nghĩa là vẫn nương theo các phương tiện pháp môn như tụng kinh, tọa thiền, niệm Phật, trì chú, bố thí, trì giới, v.v… để loại trừ vọng tưởng, vọng tình, vọng nghiệp. Bởi thế có nhiều thiền sư, sau khi đắc pháp (liễu ngộ) rồi thì rút vào núi ẩn tu thêm vài chục năm hoặc trở về tu theo pháp môn niệm Phật, hoặc làm bất cứ hạnh gì khác (xứng tánh tác phật sự) để mài giũa tâm và trở về an trụ nơi bổn tánh thanh tịnh bất sinh bất diệt của mình.
Trong kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục tổ Huệ Năng đã nói rõ vể bổn tánh của tâm. Sau khi được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn giảng nói kinh Kim Cang, Lục tổ mới thốt lên một tràng về bổn tánh :
Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh
Nào ngờ tự tánh vốn bất sinh diệt
Nào ngờ tự tánh vốn tự cụ túc
Nào ngờ tự tánh vốn vô diêu động
Nào ngờ tự tánh năng sinh vạn pháp.
Có nhiều người tu thiền ngồi im, ráng giữ cho tâm không suy nghĩ gì hết, không dám khởi niệm, vì cho rằng khởi niệm là không còn thanh tịnh, họ tập vô niệm. Nếu không khởi niệm, không suy nghĩ gì hết, thì thú vật cũng đâu có suy nghĩ gì, người rơi vào coma cũng đâu có suy nghĩ gì ! Nếu tập đi vào định thì không khởi niệm là đúng, nhưng nếu bảo không khởi niệm để nhận ra bổn lai diện mục thì rơi vào nhị biên, vì như Lục tổ nói ở trên, tự tánh vốn vô diêu động nhưng năng sinh vạn pháp.
Nếu thoáng thấy tánh mà không tiếp tục công phu thì rất dễ khởi tâm ngã mạn cho là mình đã ngộ đạo hay chứng đắc này nọ (tăng thượng mạn), để cho bao nhiêu tập khí cũ, vọng tình vọng tưởng nắm đầu che mắt sai khiến, tự hại mình và hại người, đó là nhân đọa địa ngục. Ðây là mối nguy hiểm cho những người tu thiền mà không có thầy hoặc thiện tri thức bên cạnh nhắc nhở. Trong kinh Lăng Nghiêm, ban đầu đức Phật khai thị cho A-Nan nhận ra chân tâm, sau đó ngài dạy ông nương theo pháp môn “nhĩ căn viên thông” của Quan Thế Âm Bồ tát để tu tập. Như thế đủ biết nhận ra chân tâm đâu phải là xong.
Vì thế trong luật Trường Hàng (cho người xuất gia) có nói : Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật. Ngũ hạ dĩ hậu, phương nãi thính giáo tham thiền. Nghĩa là năm hạ về trước, người tu phải học hỏi giữ gìn giới luật tinh chuyên, năm hạ về sau mới đi nghe giáo lý và tham thiền.
Thích Trí Siêu