Tôi nghe như vầy, một thời Thế Tôn ở nước Xá Vệ, trong rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại tỳ kheo, đều là những bậc đại A La Hán, mọi người đều biết như là: Ngài Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Ngài Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên Diên, Đại Câu Hy La, Ngài Ly Bà Đa, Ngài Châu Lợi Bàn Đà Dà, Nan Đà, Ngài A Nan Đà, Ngài La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Đại Kiếp Tân Na, Ngài Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà, cùng với các đại đệ tử như thế.
Lại có chư Đại Bồ Tát như là: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát và Thường Tinh Tấn Bồ Tát, còn nhiều vị Đại Bồ Tát khác nữa, cả vua Đế Thích, vô lượng chư thiên cùng các đại chúng đồng đến dự hội.
Bấy giờ Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Phương Tây cách đây hơn muời vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc, Đức Phật cõi đó hiệu A Di Đà, hiện đang thuyết pháp.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Tại sao gọi là Cực Lạc? Vì các chúng sinh trong cõi nước đó không có khổ não, chỉ hưởng an vui, cho nên gọi là Cực Lạc. Cõi đó lại có bảy tầng lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy hàng cây lớn, bao quanh khắp nơi, tất cả làm bằng bốn thứ châu báu, cho nên gọi là Cực Lạc.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, chứa đầy nước tám công đức, dưới ao thuần là cát vàng, thềm đường ở bốn bên ao làm bằng: vàng bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não trang trí tuyệt đẹp. Hoa sen trong ao lớn bằng bánh xe, sen xanh tỏa ra ánh sáng màu xanh, sen vàng tỏa ra ánh sáng màu vàng, sen đỏ tỏa ra ánh sáng màu đỏ, sen trắng tỏa ra ánh sáng màu trắng, tất cả tỏa ra hương thơm kỳ diệu tinh khiết. Cõi nước Cực Lạc đầy đủ công đức trang nghiêm như vậy.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Cõi đó đất thuần là vàng, trên không thường có nhạc trời, ngày đêm sáu thời hoa Mạn Đà La từ trên không trung rơi xuống như mưa, tỏa hương kỳ diệu. Chúng sanh mỗi sáng dùng giỏ nhặt các hoa trời mang đi cúng dường mười vạn ức Phật ở các phương khác, trong khoảng bữa ăn quay trở về nhà, dùng cơm nước xong liền đi kinh hành. Cõi nước Cực Lạc đầy đủ công đức trang nghiêm như vậy.”
“Lại nữa, cõi nước Cực Lạc có những loài chim đủ các màu sắc như là: Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Vũ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già Cộng mạng, những loài chim đó ngày đêm sáu thời, hót tiếng thanh tao, diễn nói các pháp, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Thứ Giác Chi, Tám Phần Chánh Đạo, cùng nhiều pháp khác, chúng sanh cõi ấy nghe được tiếng pháp, đều vui phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Ông chớ nên nghĩ những loài chim đó, là do ác nghiệp mà phải đọa làm kiếp chim. Vì sao? Vì cõi Cực Lạc tuyệt không có ba đường ác. Cõi nước Cực Lạc cái tên ác đạo cũng còn không có, huống chi là có đường ác. Những loài chim đó, là do nguyện lực của Đức Phật A Di Đà muốn cho tiếng pháp lan truyền khắp nơi mà dùng phương tiện thị hiện như thế.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Cõi nước Cực Lạc gió hiu hiu thổi, rung động những hàng cây báu và hàng lưới báu, phát ra tiếng pháp cực kỳ vi diệu, nghe như trăm ngàn âm nhạc cùng đồng hòa tấu, người nghe tự nhiên phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Cõi nước Cực Lạc đầy đủ công đức trang nghiêm như vậy.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Ông nghĩ thế nào? Tại sao gọi là Phật A Di Đà? Vì ánh hào quang của Đức Phật đó chiếu khắp vô lượng, vô số, vô biên mười phương thế giới không bị chướng ngại, cho nên gọi là Phật A Di Đà. Lại nữa, thọ mạng của Ngài cùng với nhân dân trong nước sống lâu vô lượng, vô số, vô biên số kiếp không thể kể xiết cho nên gọi là Phật A Di Đà”.
Nầy Xá Lợi Phất: “Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã hơn mười kiếp. Đệ tử của Ngài toàn là những bậc Thanh Văn, bậc A La Hán và Đại Bồ Tát, nhiều đến vô lượng, vô số, vô biên không thể dùng toán mà tính biết được. Cõi nước Cực Lạc đầy đủ công đức trang nghiêm như vậy”.
Nầy Xá Lợi Phất: “Chúng sanh được sanh về cõi Cực Lạc đều là những bậc không còn thoái chuyển, phần đông chỉ còn một đời là được thành Phật, số này rất nhiều không thể tính biết, chỉ dùng khái niệm vô lượng vô số vô biên mà tả”.
Nầy Xá Lợi Phất: “Nếu có chúng sanh nghe được kinh nầy thì nên phát tâm thọ trì rồi nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Tại sao? Vì sanh về đó sẽ cùng các bậc thánh chúng sống chung một chỗ.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Thật không thể do chút ít căn lành, chút ít phước đức, mà được sanh về thế giới Cực Lạc.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Nếu có chúng sanh nghe được danh hiệu của Đức Phật A Di Đà, người đó hết lòng nhớ niệm hoặc trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày cho đến bảy ngày tâm không tán loạn, trước giờ lâm chung sẽ được Phật A Di Đà cùng với Thánh Chúng thị hiện trước mặt tiếp dẫn người đó vãng sanh về cõi Cực Lạc.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Ta nay thấy được lợi ích như thế, nên có lời khuyên, nếu có chúng sanh, nghe được kinh nầy hết lòng thọ trì, rồi nguyện sanh về thế giới Cực Lạc.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Như ta hiện đang khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của Đức Phật A Di Đà, thì ở thế giới phương Đông cũng có chư Phật như là: A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, Đại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật và Diệu Âm Phật, hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở tại nước mình hiện ra tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới đồng thanh dạy rằng: ‘Nầy các chúng sanh, các con hết lòng thọ trì kinh này, kinh này là kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Và Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm’.”
Nầy Xá Lợi Phật: “Thế giới Phương Nam cũng có chư Phật như là Nhật Nguyệt Đăng Phật, Danh Văn Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tu Di Đăng Phật và Vô Lượng Tinh Tấn Phật, hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở tại nước mình hiện ra tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới đồng thanh dạy rằng: “Nầy các chúng sanh, các con hết lòng thọ trì kinh này, kinh này là kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Và Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm’.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Thế giới phương Tây cũng có chư Phật như là: Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, Đức Đại Quang Phật, Đức Đại Minh Phật, Đức Bảo Tướng Phật và Tịnh Quang Phật, hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở tại nước mình hiện ra tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới đồng thanh dạy rằng: “Nầy các chúng sanh, các con hết lòng thọ trì kinh này, kinh này là kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Và Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm’.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Thế giới phương Bắc, cũng có chư Phật như là: Diệm Kiên Phật, Tối Thắng Âm Phật, Đức Nan Trở Phật, Đức Nhật Sanh Phật và Võng Minh Phật, hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở tại nước mình hiện ra tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới đồng thanh dạy rằng: “Nầy các chúng sanh, các con hết lòng thọ trì kinh này, kinh này là kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Và Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm’.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Thế giới phương dưới cũng có chư Phật như: Sư Tử Phật, Đức Danh Văn Phật, Đức Đạt Ma Phật, Đức Pháp Tràng Phật, và Trì Pháp Phật, hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở tại nước mình hiện ra tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới đồng thanh dạy rằng: ‘Nầy các chúng sanh, các con hết lòng thọ trì kinh này, kinh này là kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Và Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm’.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Thế giới phương trên cũng có chư Phật như: Phạm Âm Phật, Đức Tú Vương Phật, Đức Hương Thượng Phật, Đức Hương Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Đức Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân Phật, Đức Ta La Thọ Vương Phật, Bảo Hoa Đức Phật, Đức Kiến Nhất Thiết Nghĩa Phật và Như Tu Di Sơn Phật, hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở tại nước mình hiện ra tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới đồng thanh dạy rằng: ‘Nầy các chúng sanh, các con hết lòng thọ trì kinh này, kinh này là kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Và Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm’.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Ông nghĩ thế nào, sao gọi là kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Và Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm?”
Nầy Xá Lợi Phất: “Nếu có chúng sanh nghe được kinh nầy cùng các danh hiệu chư Phật, nếu như hết lòng thọ trì thì được hết thảy chư Phật hộ niệm. Vì đối với đạo Vô Thượng Bồ Đề người đó không còn thoái chuyển cho nên các con phải đem hết lòng tin kính phát nguyện thọ trì.”
Nầy Xá Lợi Phất: “Nếu có người nào đã từng phát nguyện, hoặc đang phát nguyện, hoặc sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, thì người đó sẽ không còn thoái chuyển nơi đạo Vô Thượng Bồ Đề, hoặc họ đã sanh, hoặc họ đang sanh, hoặc họ sẽ sanh về cõi Cực Lạc. Nầy Xá Lợi Phất, nếu có chúng sanh lòng tin vững chắc thì nên thọ trì kinh này rồi nguyện sanh về thế giới Cực Lạc”.
Nầy Xá Lợi Phất: “Như ta ngày nay khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của các Đức Phật, thì các Đức Phật cũng lại khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của ta, mà tán thán rằng: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm những việc hiếm có khó làm, ở cõi Ta Bà vào thời xấu ác năm trược, như là thời đại vẩn đục, quan niệm vẩn đục, phiền não vẩn đục, chúng sanh vẩn đục, đời sống vẩn đục vậy mà thành tựu đặng quả Vô Thượng Bồ Đề, lại vì chúng sanh diễn nói các pháp rất khó tin nầy”.
Nầy Xá Lợi Phất: “Ông nên biết rằng, Như Lai thành tựu Vô Thượng Bồ Đề ở thời xấu ác năm trược đã là việc khó, mà đem các pháp khó tin nói ra cho cả thế gian càng khó hơn nữa”.
Khi Phật thuyết kinh nầy xong, Ngài Xá Lợi Phất cùng các Tỳ Kheo hết thảy đại chúng trong cõi trời, người, cõi A Tu La và các cõi khác vui mừng tin chịu vâng lời lễ Phật lui ra”.