Sư Huệ Chiếu chậm rãi vun bón mớ phân chuồng cho mấy cây ăn trái còn tơ trước sân chùa. Sư bón phân trang nghiêm, long trọng như đang hành lễ, mà cũng dịu dàng nâng niu như một người mẹ hiền âu yếm mớm cơm cho bầy con nhỏ. Sư nhín một phần phân chuồng chia xẻ cho cây trôm già trước ngõ. Đúng ra, cây trôm không cần cũng không đáng được bón phân, nhưng sư, giống như bậc cha mẹ cưng con, vẫn bù đắp cho đứa trưởng thành như thời ấu thơ. Ngôi chùa, tục danh chùa cây Trôm, vốn xây cất trên một gò đất đầy trôm. Giống trôm cung cấp hoa lợi rất khiêm tốn, mủ trôm tuy nên thuốc nhưng không mấy hấp dẫn, nên bị tiêu diệt lần lần. Cây trôm trước ngõ là cây trôm mà hai mươi năm trước đây khi tình cờ vân du đến giồng Tân Hiệp, thấy dân làng đang chuẩn bị hạ sát cây trôm cuối cùng, sư đã kịp thời ngăn cản. Thế rồi sư quyết định dừng lại ngôi chùa làng vắng vẻ để mai danh ẩn tích. Sư cũng chọn cho ngôi chùa danh hiệu Linh Phong. Danh hiệu gợi lại hình ảnh lúc nhỏ cho sư duyên lành mà sư đã đón nhận được như một làn gió kỳ diệu rung chuyển toàn diện thân tâm sư, nhân chuyến hành hương Phú Quốc ngày trước.
***
Sư pháp danh Mật Hiệp, hiệu Trí Hải, tự Hưng Việt, đệ tử của thiền sư Quang Huệ, chùa Kim Chương, trấn Đông Phố, Gia Định thành. Ngày còn là một sa di, sư đã chứng kiến buổi lễ trang nghiêm, cảm động để suy tôn đông cung Nguyễn Phúc Dương lên kế nghiệp Chúa hầu gầy dựng lại cơ đồ nhà Nguyễn. Buổi lễ do Hoà Nghĩa Đạo Lý tướng quân và bổn sư Quang Huệ chủ xướng ngay trong khuôn viên chùa. Hình ảnh đó khắc ghi sâu đậm vào tâm cang sư, ảnh hưởng trọn vẹn sự nghiệp tu hành của sư. Sư chọn nếp sống dấn thân phục vụ đạo pháp và dân tộc. Mà dân tộc, với sư, đồng hoá với cơ nghiệp của giòng họ Nguyễn. Sư nối gót sư phụ, kiên trì, tận tụy, trung thành với chúa Nguyễn. Chúa gặp bao nhiêu nỗi nguy nan, cơ đồ bị tan hoang mấy lượt tưởng không bao giờ cứu vãn được, mà lòng sắc son, trung quân ái quốc của sư vẫn không hề suy giảm. Chúa Nguyễn Ánh trôi giạt đến chốn nào, sư cũng tìm cách để yểm trợ. Nhờ lớp áo tu hành, sư đi lại dễ dàng, quan sát được binh tình Tây Sơn, rồi báo cáo cho Chúa. Sư cũng phụ trách vận chuyển quân lương khi cần thiết. Ngoài ra, nhân việc du phương hoằng hóa, sư để sưu tầm những bậc tài trí thuyết phục họ về với Nguyễn Vương. Các vị tướng Nguyễn Huỳnh Đức, Võ Tánh, Nguyễn Văn Nghĩa…, đã được sư móc nối để về với nhà Nguyễn.
Đầu Xuân Đinh Tị, sư đã vất vả lặn lội đến Vạn Tượng, nước Xiêm La hầu gặp Chúa Nguyễn Ánh báo cáo về tình trạng suy yếu của Tây Sơn tại Gia Định. Nhờ đó, Chúa quyết định đem quân về nước. Thủy quân Chúa về đóng tại Ba Hòn, Hà Tiên, lập căn cứ tạm để liên lạc với các thuộc hạ vẫn còn nằm vùng tại miền Nam, để chuẩn bị phản công. Đoạn, Chúa cho thủy quân đưa gia quyến ra Phú Quốc tạm lánh, rồi đem quân về Long Xuyên, công khai tấn công bính lính Tây Sơn. Lúc đó, thực lực của Chúa Nguyễn rất yếu ớt. Sư phải ra sức khuyến dụ người đệ tử tên Nguyễn Văn Trương, một viên tướng Tây Sơn, mang 300 lính và 15 chiến thuyền về với Nguyễn Vương. Từ đó, lực lượng phục quốc lớn mạnh nhanh chóng. Chúa tấn chiếm Gia Định, rồi lần lần, đánh phá các tỉnh miền Trung. Chỉ trong vòng 5 năm, tức năm Nhâm Tuất, Chúa Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, tự xưng là Vua, lấy niên hiệu là Gia Long.
Tưởng nhớ lòng trung quân ái quốc của sư, vua triệu ra Phú Xuân. Trước mặt triều thần văn võ, Vua nhiệt liệt nhắc nhở thành tích của sư, rồi long trọng tấn phong người đạo hiệu Hưng Việt Quốc Sư, để đảm nhận trách vụ lãnh đạo tinh thần cho cả nước. Vinh dự đó khiến sư vừa hân hoan vừa cảm động, nguyện tận trung báo đáp hồng ân của hoàng thượng. Sau đó, Vua đã thảo luận tương đắc với sư về những vấn đề trọng đại liên quan đến sự thịnh trị của đất nước. Sư trình bày với hoàng thượng về viễn ảnh một tổ chức Phật giáo lớn mạnh, để phục vụ cho dân tộc và đạo pháp. Vua nhiệt liệt tán dương dự án của sư, rồi tự nguyện đề xướng chương trình xây cất một ngôi Quốc tự nguy nga tại Phú Xuân, sao cho xứng đáng với danh vị Quốc sư cao tột. Đoạn vua thân mật ủy thác Quốc sư một công tác bí mật và tối quan trọng tại miền Nam . Nguyên Vua đã từng bị truy lùng phải lẫn trốn khắp hang cùng ngỏ hẻm miền Nam . Vua đã thoát thân an toàn nhờ biết khai thác đức từ bi của giới tu hành, và cũng nhờ nắm vững được địa hình các hang động, hoang đảo thuộc miền duyên hải Vịnh Thái Lan. Vua canh cánh lo sợ dư đảng Tây Sơn sẽ xử dụng chính đường lối cũ của mình để lẫn trốn gây hậu hoạ mai sau. Do đó, Vua phái Quốc sư xuôi Nam , nhân danh hành hương các chùa chiền miền Nam để hình thành hệ thống tình báo trong giới tu hành hầu sớm phát hiện được kẻ địch trà trộn.
“Ở trong chăn mới biết chăn có rận”, sư hiểu rất rõ tâm lý tu sĩ và tình hình Phật giáo đồ, nên đã tiến hành công tác bí mật dựa trên một phương pháp hoàn bị. Với thiểu số đạo đức cao tăng, sư dùng lễ kính thân cận tạo cơ hội đầu tư xa xôi. Đối với kẻ tham lam, thì sư công khai quăng tiền ra mua chuộc biến thành thứ tay sai đắc lực. Còn đối với những vị tu hành, tuy không đến nỗi tham tiền lộ liễu, nhưng lại ưa danh vị trong đạo, thì sư mang bằng sắc, chức tăng cang, hòa thượng nhử mồi. Chiêu thức thâm độc này khiến cho nhiều vị tu hành thoát tục, bỗng lục đục tranh nhau chạy tục tằn thô lỗ. Dĩ nhiên là món mồi danh lợi đã được sư khéo léo che đậy dưới chánh nghĩa “tứ ân”, nên giới tu hành đến với Quốc sư vì danh lợi, cũng có thể tự dối lòng là dấn thân cho lý tưởng Phật đà.
Khi hành hương tại Chùa Thập Tháp Di Đà, phủ Qui Ninh, Bình Định, Quốc sư tình cờ khám phá được những hành vi nhũng lạm của viên tri phủ sở tại. Quốc sư vội phúc bẩm về triều, và viên tham quan liền bị thải hồi để điều tra. Sau đó, chuyến hành hương trầm lặng của sư bỗng huyên náo và khởi sắc theo một chiều hướng mới. Giới quan lại, thoáng nghe hung tin của viên tri phủ Qui Ninh đã run sợ rỉ tai nhau cẩn mật đề phòng. Họ theo dõi sư từng bước để nghiên cứu tỉ mỉ một kế hoạch đón tiếp sư, sao cho sư ngỡ là đã tai nghe mắt thấy sự thực và chỉ toàn là sự thực. Tất cả những địa điểm sư đến đều được chuẩn bị dàn cảnh, những nhân vật sư tiếp xúc phải được “đả thông” trước. Thế là, từ độ ấy, đến địa phương nào, sư chỉ được nghe dân chúng thi đua nhau ca tụng đức độ thanh liêm vì dân vì nước của giới quan lại sở tại. Quốc sư lại vui mừng khám phá thêm là giới quan lại chính là giới Phật tử thuần thành bậc nhứt. Họ tranh nhau thỉnh cầu sư dạy đạo, rồi cả nhà xin được quy y với sư. Viên tri phủ Đông Phố lại tung “khổ nhục kế” thần sầu. Sau khi nghe thời pháp, viên quan ràn rụa nước mắt mừng rỡ được nghe chân lý tối thượng, đoạn quỳ lạy Quốc sư, xin từ quan để theo Quốc sư xuất gia đầu Phật. Lối trình diễn xuất thần đó khiến Quốc sư xúc động vô cùng. Sự thương yêu giảng dạy người đệ tử mới, là tu hành thì không nhất thiết phải xuất gia. Làm quan mà thương yêu chăm sóc dân là đã thực hành Phật đạo rồi. Không dám trái ý Quốc sư, tri phủ Đông Phố bắt buộc phải hi sinh tiếp tục làm quan tham ô như cũ. Quốc sư lại ghé ngôi tổ đình, mang về bằng sắc “Sắc tứ Kim Chương tự”. Gặp lại huynh đệ, tuy tình cảm đậm đà thắm thiết, nhưng sư chỉ lưu lại hai ngày rồi ra đi. Có thể, vì sư thấy thiếu vắng những lời ca tụng xuất phát từ “đáy lòng thành thật” của nhóm đệ tử mới, và phần khác, vì sư cảm giác dường như chư huynh đệ tư tưởng xưa quá rồi, không theo kịp những tiến bộ vượt bực của sư như đám đệ tử mới trung thành.
***
Trấn Hà Tiên là địa điểm cuối cùng và quan trọng nhất của chuyến hành hương. Theo đúng chương trình vạch sẵn, Quốc sư được quan Chưởng vệ thống lĩnh 5 vệ thủy quân miền duyên hải phương Nam hiệp cùng quan Trấn Thủ Hà Tiên long trọng đón tiếp từ ranh giới huyện Kiên Giang, để dùng ghe hầu xuôi theo kinh đao về Ba Hòn, một vùng tập trung đa số núi đá vôi của Hà Tiên. Đá vôi có tính chất là dễ bị soi mòn bởi nước mưa, do đo, qua năm tháng, những núi đá vôi thường bị xẻ đụt để biến thành những hình thù kỳ dị hoặc cấu tạo nên những hang động thần bí, với vô số thạch nhũ dị dạng. Những hang động rộng rãi, xinh đẹp, nổi tiếng như Thạch Động ở thị trấn Hà Tiên, chùa Hang ở Bình Trị… đều được kiến lập thành chốn tu hành dập dìu khách hành hương lễ bái. Số lớn còn lại như núi Đá Dựng và nhóm núi vùng Ba Hòn, hang ngách ngang dọc chằn chịt, vắng người lui tới, là chốn ẩn thân lý tưởng của những phần tử trốn tránh ngoài vòng pháp luật. Thấu hiểu mối lo âu của nhà Vua, Quốc sư dừng lại Ba Hòn khá lâu để tìm hiểu dân tình. Nhận thấy núi đá vôi cằn cỗi khó tự túc nếu thiếu nguồn tiếp tế lương thực của dân xóm chài, nên Quốc sư kết nạp người trong giới cư sĩ. Ngoài ra, hai vị tu sĩ ngụ tại Chùa Hang và Chùa Khóm Tre đều là những vị đầy nhiệt tình đạo pháp, đã được sư nhận làm pháp đệ, nên chắc chắn sẽ phục vụ quân vương đắc lực. Nhân dịp này, Quốc sư cũng được viên Chưởng vệ đưa đi viếng hang Tiền, căn cứ bí mật của Vua trong thời gian chuẩn bị tổng phản công để chiếm Gia Định thành năm Đinh Tị. Núi Long An là ngọn núi đá vôi khá lớn toạ lạc cách Ba Hòn chừng 2 dặm về hướng Bắc. Hai phần của núi còn tựa vào đất liền, phần ba còn lại chồm xa ra ngoài biển. Núi cũng có những khóm cây thưa thớt mọc cằn cổi trên vài cụm đất nhỏ, phần còn lại bao phủ bởi loại đá răng cưa tua tủa nhọn hoắc, không lối leo trèo. Con đường lên núi lại là con đường biển. Nước biển sâu, thuyền có thể vào sát chân hòn. Neo thuyền bên bến đá xâm xấp nước, khách liền thấy lẫn khuất sau vồ đá nhô ra, một hang sâu thăm thẳm. Mò mẫm bước vào hang, mắt vừa quen với bóng tối, khách bỗng khám phá trong ánh sáng mờ ảo, một thế giới thạch nhũ cả ngàn loại sai biệt về hình dáng lẫn màu sắc, nhưng đều mang tính chất diễm ảo thần tiên. Hang nở rộng dần thành động. Động hình nó. Từ trên chóp đỉnh cao ngất, ánh sáng dìu dịu tỏa nhẹ, làm phong cảnh thiên nhiên thêm huyền bí. Mọi cảnh vật: Vách đá vằn vện lồi lõm, hồ nước con con, thạch nhũ, viên sỏi láng bóng, một đám rong rêu, tất cả đều phô bày nét đẹp đặc thù. Ngay như giọt nước thoát từ trái thạch nhủ no tròn, bỗng mường tượng như một viên kim cương long lanh màu sắc. Trung tâm động rộng rãi đủ cho bầy tôi Vua Gia Long quay quần họp mặt. Cạnh đó, một lò đúc đã từng được thiết lập để đúc tiền kẻm, dùng cho chi phí quân lương. Đó cũng là lý do, mà hang Long An cũng được gọi là hang Tiền. Thạch động còn có đường hang lên dần tới đỉnh, nhờ vậy, hang động nói chung, có sức chứa cả ngàn người, với ưu điểm là chòi canh trên đỉnh cao, có thể quan sát rộng rãi bốn phương trời.
Quốc sư được quan Chưởng Vệ hướng dẫn sang một ngách nhỏ, đi len lỏi đến một động hẹp hình chữ nhật, như một gian phòng thiên nhiên. Phòng trống trải được hoá công thiết trí sẵn một chiếc giường đơn bằng đá nhẳn thín.
– Thưa Quốc sư! Viên Chưởng Vệ lên tiếng, đây là nơi hoàng thượng ngủ nghĩ. Tìm được long sàn này, bọn bầy tôi ai nấy hân hoan tin tưởng Chúa thượng quả thật là bậc “Chính vì Vương” nên mới được Trời Phật an bài mọi việc. Nằm trên long sàn, một hôm hoàng thượng nhìn lên vách đá kia, chợt thấy hình ảnh ngày quân ta chiến thắng rõ ràng hiển bày trước mặt. Trước đó, thuộc hạ ai ai cũng nức lòng quyết tâm chiến đấu tiêu diệt quân thù. Vách đá đó, vì vậy, được mang tên là “Sấm ký nham”.
Giai đoạn này Quốc sư đã nghe nhắc nhở mãi, nên không mấy ngạc nhiên. Sấm ký nham cũng không có gì đặc biệt, đó chỉ là một tảng đá rằn ri hổn tạp, lồi lõm, nhiều vết nứt rạn, rong rêu, mốc meo, trong ánh sáng lờ mờ có thể biến thành hình ảnh sống động bởi người giàu óc tưởng tượng. Nhìn vách đá cũng giống như nhìn đám mây bồng bềnh, để suy tưởng thành hình người hình thú. Quốc sư không tin thuyết huyền bí mầu nhiệm, tuy nhiên, Quốc sư lại kích thích bởi ý định nằm nghỉ ngay tại địa điểm xưa Vua nằm, nên tỏ ý mệt mỏi cần phải nghỉ ngơi. Còn lại một mình, sư thoải mái nằm xuống. Cảm giác mát lạnh của giừơng đá truyền vào người sư, khiến sư khoan khoái và tươi tỉnh. Tình cờ sư hướng về sấm ký nham, rồi bỗng nhiên mắt sư như bị một hấp lực vô hình dán chặt vào đó. Những đường nét tạp nhạp bất động bỗng trỗi dạy nhảy múa, để kết hợp lẫn nhau thành những hình ảnh chập chờn. Rồi sư bỗng thấy hình ảnh sư, với đầy đủ đường nét rõ rệt, đang lom khom dưới cội cây trôm. Sư mừng rú lên chờ đợi ngôi Quốc tự nguy nga sắp hiện ra, thì tên lính hầu cận của viên Chưởng Vệ bước vào phá rối:
– Kính thưa Quốc sư! Quan Chưởng Vệ con kính mời Quốc sư thưởng thức trà!
Giả ảnh đột ngột tan biến, dù Quốc sư nhanh nhẹn khoát tay đuổi tên lính như “đuổi tà”, nhưng vẫn không cứu vãn kịp. Sư cố gắng tập trung sức tưởng tượng nhìn mãi sấm ký nham mà cũng vô dụng, đành phải trở ra ngoài.
– Kính mời Quốc sư chén trà Long Tỉnh.
Dù đang bực bội, sư cũng niềm nở khen ngợi:
– Trà Long Tỉnh pha bằng nước suối ngầm, quan Chưởng Vệ quả thật là bậc tao nhân sành sỏi.
***
Phái đoàn trở về thuyền để lên đường đi Phú Quốc. Phú Quốc là một hải đảo có diện tích rộng lớn, hội đủ điều kiện cho một lực lượng nổi dậy đồn trú lâu dài. Đất đai Phú Quốc phì nhiêu có thể trồng đủ loại ngũ cốc, nước ngọt khắp nơi, thú rừng thật nhiều, rừng cây danh mộc to lớn có thể dùng để đóng chiến thuyền rất thừa thải. Dãy núi Cẩu Sừng tức Cửu cửu Sơn, gồm 99 đỉnh cao sâu hiểm trở, một người lẫn trốn thì không quân đội nào truy tầm được. Trong những vùng có dân cư ngụ: Dương Đông, Cửa Cạn, Hàm Ninh, An Thới, chỉ riêng Dương Đông mới hình thành được chính quyền xã như vậy, chỉ mới kiểm soát được một phần vạn diện tích toàn đảo. Chuyến đi hành hương Phú Quốc, vì vậy, có một tầm quan trọng đặc biệt.
Quốc sư được quan Chưởng Vệ mời ngự trên chiếc thuyền chỉ huy, đóng kiên cố và đầy đủ tiện nghi. Thuyền xuôi gió, sáu cánh buồm căng phồng, đưa thuyền lướt nhẹ nhàng trên sóng biển. Thuyền rời Ba Hòn, lần lượt xuyên qua mấy mươi hòn đảo duyên dáng quay quần nhau như họ hàng, nên được gọi tên chung là Hòn Họ. Ưu tư với công tác, Quốc sư thầm nghĩ: “Đảo nhỏ, đất đai bằng phẳng, gần đất liền, không phải là môi trường lẫn trốn”. Rồi có lẽ nhằm phô trương chiêu bài hành hương, Quốc sư hỏi tên lính hầu:
– Chẳng hay trên các hải đảo này có tu sĩ không?
– Thưa không.
– Phong cảnh đẹp mà thiếu cao tăng thì đáng tiếc thật!
– Dạ thưa Quốc sư cũng có cao tăng ạ! Dạ con được nghe ở Hòn Nghệ, có người tu hành đắc đạo. người ta nói Ông đạt pháp đi mây về gió. Người ta nói Ông đạo nghe và nói chuyện với loài chim, loài cá. Người ta nói Ông đạo khi còn tu ở hòn Mấu, ngồi trên bãi cát thuyết pháp cho đá, đá cũng bò lên từng đàn sắp từng hàng thứ tự từ nhỏ đến lớn để nghe nũa. Người ta lại nói…
Nghe tên lính cứ lập lại câu “người ta nói” hơi nhiều, mệt quá, nên Quốc sư khoát tay bảo yên lặng, rồi hỏi:
– Có ai thực sự biết Ông đạo hay mọi người đều chỉ đồn nghe đãi mà thôi?
– Dạ thưa! Dạ thưa! Chắc ai cũng nghe đồn đãi rồi kể lại mà thôi!
– Hòn Nghệ gì đó có gần với Phú Quốc không?
– Dạ thưa Quốc sư! Đảo ấy trên đường đi, hiện rõ ở trước mặt chúng ta kia kìa!
Tên lính già chỉ hòn đảo xa tít mù khơi, hòn đảo có dáng dấp như một nắp vung đầy đặn, với cái núm ở trên. Dù đã ở trong tầm mắt, thuyền xuôi gió phóng nhanh, nhưng cũng phải mất hai ngày mới đến nơi. Nhìn diện tích hòn đảo khá rộng, phần Nam đảo sừng sững núi đá vôi đầy hang động nguy hiểm, Quốc sư thình lình quyết định ghé lại để hành hương. Thật ra, Quốc sư không tin gì về huyền thoại đắc đạo của Ông thầy tu Hòn Nghệ, nhưng đảo nằm nửa đường đi Phú Quốc, một vị trí chiến lược, nên vị tu sĩ vô danh đó cần được móc nối.
Bãi cát cạn nên chiếc thuyền phải neo ở ngoài xa. Chiếc xuồng thúng tre nhẹ hửng được thả xuống để đưa Quốc sư và phái đoàn tháp tùng vào bãi. Trên thúng Quốc sư đã thấy căn nhà cỏ nhỏ bé lụp xụp núp sau hàng dừa đơm trái. Một lão già mặt mũi nhăn nheo, tóc râu bạc trắng, vận bộ quần áo nâu củ mèm, rách nát, đang xăm xoi đám bắp lơ thơ. Lão già lù khù thoáng giựt mình, ngây ngô ngó sửng khách phương xa đột ngột xuất hiện. Người lính già phóng nhanh đến bên lão, kính cẩn chào thật sâu và Ông lão cũng đáp lễ long trọng không kém.
– Thưa Ông đạo! Hai vị đây là Quốc sư và Quan Chưởng Vệ thủy quân.
Danh vị Quốc sư, từ quan chí dân, vừa nghe qua đã gập đầu vái lạy, thế nhưng lão già ngây ngô chỉ gật đầu chiếu lệ mà thôi. Có lẽ lão già quê mùa dốt nát trọn đời chưa từng được nghe đại danh Quốc sư hay quan Chưởng Vệ, nhân vật cao cấp nhất lão tiếp xúc chỉ là hạng lính quèn, thảo nào, đối với lính thì kính nễ còn đối với đại nhân vật thì lại dửng dưng. Vừa khó chịu vừa nản lòng, thấy không thể khai thác gì được lão già khờ khạo, nhưng Quốc sư cũng giả vờ hiếu kỳ vồn vã và thăm hỏi:
– Chẳng hay lão tu theo pháp môn nào! Tu đã bao lâu rồi vậy?
– Thưa Quốc sư ! Năm mươi năm trước con được một thầy đồ dạy niệm câu: “Nam Vô Tịnh Thổ Giáo chủ A Di Đà Phật”. Con cứ thế mà niệm liên tục, chớ không tu hành chi cả.
Nguyên chữ Vô và chữ Thổ, trong nhà Phật, tùy trường hợp phát âm là Mô và Độ thì mới đúng. Nho gia không hiểu lẽ đó, nên mới đọc câu niệm Phật sai lầm. Thấy kẻ tu hành dốt nát, bỏ mấy mươi năm làm việc vô dụng, Quốc sư rủ lòng thương, chỉ dạy:
– Lão phải niệm như thế này mới đúng: ” Nam mô tịnh độ giáo chủ A Di Đà Phật”.
– Dạ! Con xin đa tạ Quốc sư chỉ dạy.
Đoạn lão già khóm róm cúng dường sư nước dừa và thỉnh nguyện được cúng dường cơm trưa. Tuy khù khờ, nhưng lão nấu nướng nhanh nhẹn. Chỉ một thoáng là đã dọn lên mấy món ăn ngon tuyệt: gỏi bắp chuối, mít non kho, canh chua củ hủ nhum… Hai ngày trên thuyền, dù sao cũng tù túng, nên được thoải mái “độ cơm”, Quốc sư cũng dùng rất thật tình.
Ì ạch leo trở lên thuyền, Quốc sư đâm ra bực bội tên lính già nhiều chuyện làm sư phí phạm thời giờ vô ích. Viên Chưởng Vệ có vẻ cũng kém vui, nhưng chưa dám để lộ ra ngoài, chỉ dò dẫm:
– Thưa Quốc sư! Ngài nhận thấy lão đạo này như thế nào?
– A! ông đạo ấy… THỰC…. NGỘ…!!
Người miền Nam dùng chữ ngộ có nghĩa là ngộ nghĩnh dễ thương, mà cũng có thể là khùng khiệu, tầm bậy tầm bạ, không giống ai. Quốc sư dùng chữ thật khéo, chữ NGỘ không nặng nề thô lỗ làm giảm đức độ bậc chân tu đạo hạnh, nhưng khi được phát âm dài ra thì cũng diễn tả được ý chê bai khinh miệt trong lòng.
Thuyền lại lướt sóng. Câu chuyện bực mình về Ông đạo khùng cũng nguôi ngoai. Quốc sư ngồi trên mui đón gió mát và dự định lần chuỗi niệm Phật. Xâu chuỗi bồ đề to tướng của Vua ban biến mất. Sư sực nhớ khi phải đi vệ sinh trên đảo, sư gởi tạm xâu chuỗi tại bàn thờ Phật, rồi quên lửng. Quốc sư bối rối không biết nên quyết định như thế nào? Thuyền đi khá xa, nếu quay lại ngược gió phải chạy giác lời giác lỗ thì mất rất nhiều thì giờ. Còn chờ chuyến về ghé lại thì chẳng biết bảo vật có còn không?
Quốc sư bồn chồn nhìn về hướng hòn Nghệ. Thình lình Quốc sư thấy lờ mờ hình dáng một người rời đảo thoan thoát đi trên biển cả. Sư dụi mắt, cấu tai để kiểm chứng mình đang tỉnh thức. Rõ ràng là Ông đạo đang bước trên nước giống như đi trên đất liền. Khoan thai mà nhanh như làn gió, lão già đã đi tới thuyền, bước lên đến bên Quốc sư trao xâu chuỗi bồ đề:
– Thưa Quốc sư, Ngài đã bỏ quên xâu chuỗi này.
Quốc sư như bị thôi miên cứng động, giờ mới cầm lấy xâu chuỗi, rồi ú ớ:
– Dạ thưa Ngài! Ngài là bậc thần thông cái thế. Xin Ngài từ bi cho con được sám hối tội ngã mạn của con.
– Thần thông chi đâu thưa Quốc sư! Khi đi lão chỉ việc bước tới mà không khởi tâm phân biệt, đâu là đất, đâu là biển, đâu là trời mây, nên không bị ngăn ngại mà thôi!
Nói xong Ông lão bước theo một áng mây trôi đi mất.
Quốc sư lâu nay tuy tu hành mà tâm sôi sục phân biệt thiệt hơn, thành bại, nhục vinh…., nên tuy tu theo nẽo chánh, mà tâm lẫn khuất theo đường tà. Nay vừa nghe Ông lão đối đáp, bỗng cất tiếng thở than:
– Ôi! Ta vọng chấp lục trần mà dám múa may dạy bậc đại sĩ phân biệt mô vô, thổ độ, thật đáng hổ thẹn! Ôi! Tâm không phân biệt thì đâu là chỗ trụ, mà không chỗ trụ thì sao?
Quốc sư quì xuống, hướng về Hòn Nghệ cung kính lễ 3 lạy. Khi Quốc sư đứng dậy, thì thấy viên Chưởng Vệ đứng bên cạnh, trố mắt ngạc nhiên, thưa hỏi:
– Thưa Quốc sư ! ngài lễ Trời Phật hay thánh thần, sao không để con ra lệnh thiết lập bàn thờ cho long trọng?
Quốc sư hiểu Ông đạo xuất hiện để chỉ điểm riêng cho Quốc sư, chớ không lộ cho kẻ sơ cơ thấy thần thông mà lầm lạc thành cứu cánh, nên người từ tốn đáp:
– Thưa quan Chưởng Vệ! Tôi kính lễ Ông Đạo Hòn Nghệ. Ông đạo là Bậc THỰC… NGỘ …
Chữ Thực Ngộ lần nầy hòan toàn có ý nghĩa khác, khi sư phát âm kéo dài lại diễn tả được lòng thành tâm quy ngưỡng của sư. Ngừng một lát, Quốc sư nói tiếp:
– Thưa quan Chưởng Vệ. Chuyến hành hương đến đây là hoàn mãn. Quan Chưởng Vệ có thể hạ lệnh cho thuyền trở về đất liền được rồi.