A-La-Hán

A-La-Hán

A-La-Hán là người đã trừ bỏ, diệt sạch hoàn toàn 10 kiết sử (phiền não) gồm: Thân Kiến, Hoài Nghi, Giới Cấm Thủ, Dục ái, Sân Hận, Sắc ái, Vô sắc ái, Mạn, Trạo cử, Vô minh.

  1. Thân kiến (Sakkāyadiṭṭhi): là sự hiểu biết sai lầm rằng các pháp như Danh Sắc, Tứ Đại, Ngũ Uẩn này là tôi, của tôi, hay bản ngã của tôi.
  2. Hoài nghi (Vicikicchā): sự lưỡng lự, không có hiểu biết đúng đắn về Phật, Pháp, Tăng, nhân quả nghiệp báo và chân lý duyên sinh.
  3. Giới cấm thủ (Sīlabbataparāmāsa): sự chấp thủ vào các phương pháp, hạnh tu sai lầm, vô ích. Ví dụ như sống khổ hạnh, ép xác hoặc buông thả, phóng túng trong dục lạc, hoăc tin và hành trì những lễ nghi mê tínnhư bói toán, lên đồng, cầu cơ…
  4. Dục ái (Kāmarāga): sự ham muốn, thích thú của 5 giác quan đối với 5 trần cảnh.
  5. Sân hận (Paṭigha): trạng thái tâm lý tiêu cực như tức giận, khó chịu, thù hận, sợ hãi.
  6. Sắc ái (Rūparāga): tâm tham luyến đối với các cõi trời thuộc thiền sắc giới, nguyên nhân là do chấp thủ vào các trạng thái thanh tịnh, yên tĩnh, an lạc… do các cõi trời này đem lại.
  7. Vô sắc ái (Arūparāga): tâm tham luyến đối với các cõi trời thuộc thiền vô sắc giới tức Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
  8. Ngã mạn (Māna): tâm đố kị, hơn thua. Ví dụ như trình độ mình bằng người khác nhưng lại tự cao cho mình hơn họ, hoặc mình thua kém nhưng lại cho rằng bằng người. Hoặc lúc nào cũng khinh thường, chê bai người khác, tự cho mình là giỏi nhất, hay nhất. Hoặc chưa chứng đắc mà nói mình chứng đắc, phàm phu nhưng lại mạo nhận mình là bậc Thánh…
  9. Trạo cử vi tế (Uddhacca): tâm phóng dật, lăng xăng, tán loạn, nghĩ ngợi lung tung không có sự chú tâm, tỉnh giác, chánh niệm.
  10. Si mê (Avijjā): sự vô minh, tăm tối, không hiểu biết về chân lý, chánh pháp. Không hiểu rõ về Khổ, nguyên nhân của Khổ, sự diệt Khổ và con đường diệt khổ.
Đặc trưng của vị A-La-Hán

Khi một người đạt được quả vị A-La-Hán, chánh trí khởi lên, vị ấy tự biết rõ mình đã hoàn toàn giải thoát khỏi mọi phiền não, lậu hoặc mà không cần ai phải chỉ điểm, xác nhận. Giống như một người uống nước nóng hay lạnh tự biết rõ ràng.

Vị thánh A-La-Hán còn được gọi là vị thánh Vô học, bởi vì các ngài đã hoàn thành công việc tu tập của mình, đã làm xong mục đích tối thượng của một người xuất gia tu tập là đạt Niết Bàn giải thoát, các ngài không còn cần phải tu tập, đoạn trừ phiền não hay làm gì thêm nữa. Còn các bậc thánh thấp hơn như Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn được gọi là vị thánh Hữu học, bởi vì các ngài chưa đạt đến chặng cuối của con đường giải thoát, còn phải học hỏi, tu tập.

Các bậc A-La-Hán là những vị đã viên mãn, thành tựu trọn vẹn con đường tu tập Giới-Định-Tuệ nên thân hành, khẩu hành, ý hành đều thanh tịnh. Về thân hành, các ngài không bao giờ có những hành vi xấu ác như sát sinh, trộm cắp, tà dâm hay những hành vi không đẹp, không phù hợp về mặt đạo đức. Về khẩu hành, các ngài không nói những lời không đúng đắn như nói dối, nói chia rẽ, nói lời độc ác, xúc phạm kẻ khác, không nói những chuyện phù phiếm, vô ích. Các ngài chỉ nói những điều liên hệ đến Chánh Pháp, giải thoát, tu tập đời sống Phạm hạnh. Về ý hành, các ngài không còn những ý niệm tham-sân-si điên đảo giống như chúng sinh; các ngài không còn những vọng tưởng, khao khát về dục vọng, không còn ham thích đối với các khoái lạc, cảm giác sung sướng, dễ chịu. Các ngài không còn những suy nghĩ về hại mình, hại người. Khi gặp các khổ cảnh, các ngài cũng không khởi lên cảm giác khó chịu, tức giận.

Một vị A-La-Hán không còn bị tám gió chi phối. Bởi các ngài đã trực nhận tính chất biến đổi, sinh diệt không ngừng (vô thường) và bất toại nguyện, không như ý (khổ) của tất cả mọi sự vật trên đời.

Các vị A-La-Hán vẫn có những hoạt động như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, ngủ nghỉ, đại, tiểu tiện, như người đời. Tuy nhiên, khác biệt giữa các vị A-La-Hán với người phàm là các ngài khi làm việc gì, nói gì cũng đều có sự chánh niệm, tỉnh giác cao độ, từ lúc thức cho đến khi ngủ các ngài đều duy trì sự Chánh Niệm liên tục.

Một vị đắc quả A-La-Hán khi chưa hết tuổi thọ, còn sống dưới thân Ngũ Uẩn được gọi là Hữu Dư Niết Bàn, tức là ngài vẫn còn phải chịu những định luật tự nhiên như đau nhức, bệnh tật, hay các cảm thọ về thân thể. Hoặc các ngài cũng có thể phải chịu đựng các quả báo xấu do hành vi bất thiện trong quá khứ. Ví dụ như Đức Phật bị nhức đầu trong 3 ngày do trong tiền kiếp ngài từng gõ đầu một con cá, hay trước khi nhập Niết Bàn ngài bị bệnh kiết-lỵ. Hoặc trưởng lão Mục-Kiền-Liên trong đời quá khứ rất lâu từng phạm nghiệp giết cha mẹ, nên trước khi ngài viên tịch, nghiệp này trổ quả và ngài bị ngoại đạo đánh chết. Tuy bị bệnh tật, đau nhức về thân chi phối, nhưng Đức Phật và các vị A-La-Hán không còn bị dính mắc vào nó. Các ngài không vì bệnh tật, đau đớn mà khởi tâm bất thiện như khó chịu, tức giận (sân), hay mong muốn mau hết bệnh, mong muốn đừng bị bệnh (tham), không có sự hiểu biết đúng đắn về bản chất của cơn đau (si). Khi vị A-La-Hán hết thọ mạng, nhập Đại Bát Niết Bàn (Vô Dư Niết Bàn) thì vĩnh viễn không còn tái sinh trở lại vào bất kỳ cảnh giới nào; và không còn bị thân ngũ uẩn chi phối.

Các vị A-La-Hán có thể có các năng lực thần thông như Tam Minh, Lục Thông. Tuy nhiên, các ngài không bao giờ phô trương, hay biểu diễn những khả năng đó trước quần chúng để được danh tiếng, ảnh hưởng, hay nhằm mục đích kêu gọi người khác theo đạo Phật. Bởi vì, thần thông dù có vẻ phi phàm, gây tò mò đối với nhiều người như thực tế nó không giúp ích cho chúng sinh nhận ra chân lý, thoát khỏi khổ đau, phiền não. Ngược lại, việc dính mắc, tham luyến đối với thần thông là một cản trở cho việc tu tập giác ngộ. Hơn nữa, đạo Phật là đạo trí tuệ, chứ không phải tin tưởng một cách mù quáng, mê tín.

Cuối cùng, ngoài những người đã thật sự chứng A-La-Hán và tự tuyên bố về Chánh trí giải thoát của mình thì chỉ có Đức Phật mới có đủ trí tuệ, khả năng để tuyên bố một người chứng quả hay chưa, người ấy chứng quả gì, Tu-Đà-Hoàn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm, hay A-La-Hán. Ngay cả các vị A-La-Hán thượng thủ như ngài Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền Liên cũng không tùy tiện phán đoán, hay đưa ra nhận định về quả vị tu chứng của người khác.

Con đường tu tập

Con đường tu tập căn bản để đạt được bất kỳ quả vị nào trong Tứ Thánh Quả đều là nhờ Giới-Định-Tuệ. Một người đắc được quả Dự Lưu (Tu-Đà-Hoàn), Nhất Lai (Tư-Đà-Hàm) là thành tựu trọn về giới, một phần về định, một phần về tuệ. Quả vị Bất Hoàn (A-Na-Hàm) là nhờ thành tựu trọn vẹn về giới, trọn vẹn về định và một phần về tuệ. Và cuối cùng, quả vị A-La-Hán là nhờ thành tựu trọn vẹn về giới, định và tuệ.

Phân loại A-La-Hán

Về căn bản, tất cả chư vị A-La-Hán đều là bậc Lậu Tận. Tức là các Ngài đã đoạn trừ hoàn toàn 10 kiết sử, không còn dư phiền não ở trong tâm. Vô minh và tham ái vốn là nhân tố căn bản đưa đến luân hồi tái sinh đã bị cắt đứt sạch. Tuy nhiên, do một số khác biệt về trình độ, sở học, thiên hướng, sở đắc… nên khi đạt được đạo quả các ngài sẽ có những năng lực đặc biệt khác nhau.
Ở đây chia ra 5 hạng A-La Hán:

  1. Thuần quán A-La-Hán (Sukkhavipassako): là những vị A-La-Hán chỉ tu tập thuần túy về Thiền quán Minh Sát, Tứ Niệm Xứ. Do thiền quán thấy rõ sự được sinh diệt của các pháp hữu vi, thấy rõ trạng thái chung của các pháp là Khổ-Vô thường-Vô ngã nên các ngài chứng đạo. Về sở đắc, các ngài chỉ là bậc lậu tận, khô sạch phiền não do tuệ quán chứ không có bất kỳ năng lực thần thông gì đặc biệt.
  2. Tam minh A-La-Hán (Tevijjo): là những vị khi đạt đạo, ngoài Lậu tận minh các ngài còn có thêm các năng lực khác như Túc mạng minh, Thiên nhãn minh (trí thấy được sự sống chết và tái sinh của tất cả chúng sinh). Vị ấy thấy rõ các chúng sinh A,B,C,… do tạo nghiệp ác về thân, khẩu, ý, theo tà kiến, phỉ bác các bậc thánh nên bị đọa vào địa ngục, ác thú, đọa xứ. Vị ấy cũng thấy rõ các chúng sinh D,E,F… do tạo nghiệp thiện về thân, khẩu, ý, có chánh kiến, tôn kính các bậc thánh nên sau khi thân hoại mạng chung được sinh lên thiên giới, thiện thú, loài người.
  3. Lục thông A-La-Hán (Chaḷabhiññā): là những vị A-La-Hán có được 6 năng lực thần thông. Bao gồm Biến hóa thông (khả năng đi trên hư không, mặt nước, độn thổ, biến ra nhiều thân, đi qua tường, vách…), Thiên nhĩ thông (tai nghe âm thanh của loài người, chư thiên, ở xa cũng như gần), Tha tâm thông (biết rõ được trạng thái tâm của chúng sinh, thiện hay ác, có giải thoát hay không giải thoát…), Túc mạng thông (giống với Túc mạng minh ở trên), Thiên nhãn thông. Nhân duyên là trước khi chứng đạo, các vị A-La-Hán này đã tu thiền định chứng được Tứ Thiền trở lên.
  4. Đắc tuệ phân tích A-La-Hán (Paṭisambhidappatto): là những vị A-La-Hán khi đắc quả cũng đồng thời đắc luôn Tứ tuệ phân tích, tuệ phân tích hiểu đơn giản là khả năng diễn giải, phân tích, tổng hợp, thuyết giảng Phật pháp. Gồm có: Nghĩa đạt thông, (trí hiểu thấu đáo các ý nghĩa của pháp, có khả năng phân tích, giải thích những điều tóm tắt), Pháp đạt thông (trí hiểu rõ về pháp, biết rõ các nguyên lý, tiến trình của pháp, có khả năng tổng hợp lại những điều chi tiết), Ngữ đạt thông, (khả năng vận dụng ngôn ngữ tinh tế, hợp lý, khéo léo để trình bày, thuyết giảng Phật Pháp), Biện đạt thông (khả năng ứng đối, biện tài, biết rõ cách lý luận, phân tích). Điều kiện để đạt được Tứ tuệ phân tích ở trên là vị hành giả trước khi chứng đạo phải là người có học tập, nghiên cứu, thông suốt về tạng Luận (Adbidhamma, Vi Diệu pháp).
  5. Đặc biệt nhất là bậc thánh A-La-Hán khi chứng đạo đắc luôn tất cả các năng lực ở trên, gồm cả Tam minh, Lục thông, Tám giải thoát, Tứ tuệ phân tích. Các vị đại trưởng lão tăng và ni của Đức Phật là những vị A-La-Hán điển hình có tất cả các năng lực này, như các vị trưởng lão Sariputta, Mogallanna, Ananda, Punna, Mahakassappa, Upali…

Source:  https://www.wikiwand.com/vi/A-la-hán



Scroll to Top