Bồ Tát

(Bodhisattvà - Pàli: Bodhisattà)

I. Tổng quan

– Trong bài nầy, người viết chỉ ghi lại một số điểm theo ký ức hạn chế trong các dịp nghiên cứu, học hỏi về Bồ-tát và Bồ-tát thừa từ giáo lý Nam tạng và Bắc tạng. Người viết sẽ có bài biên khảo đầy đủ hơn trong một dịp khác.

– Theo tài liệu nghiên cứu về Bồ-tát và Đại thừa Phật giáo của Thượng tọa Tiến sĩ Walpola Rahula, một nhà Phật học nổi tiếng Tích Lan, trong một bài thuyết giảng của Thượng tọa tại Malaysia năm 1955, từ ngữ Đại thừa (Mahàyàna) và Tiểu thừa (Hìnayàna) Phật giáo chỉ tìm thấy ở Kinh Pháp Hoa, mà không có ở các tài liệu Phật học trước đó, bao gồm cả các Biên niên ký. Kinh Pháp Hoa xuất hiện sớm nhất là vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Bồ-tát thừa có mặt từ đó, và lý tưởng Bồ-tát được hình thành từ đó (Bodhisattva ‘s Ideal).

– Tư tưởng Phật giáo Đại thừa được bàn đến sớm nhất cũng từ thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch; phát triển mạnh dưới thời đại Luận sư Long Thọ (Nagarjuna), thế kỷ thứ hai Tây lịch và phát triển mạnh nhất từ thế kỷ thứ tư Tây lịch, dưới thời của hai đại Luận sư Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu);

– Thực sự, danh từ Bồ-tát (Bodhisattà) và các hạnh Bồ-tát Thập độ và Lục độ ba-la-mật đã được đề cập đến trong Nikàya của Thượng tọa bộ (Theravada) được kết tập từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, dưới triều đại đế Asoka, đặc biệt trong các câu chuyện Tiền thân (Jàtaka) thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddaka Nikàya). Tư tưởng Đại thừa cũng có gốc từ 5 Nikàya, chỉ phát triển sâu rộng về sau thành các Kinh, các luận, mà vốn cái tinh thần triển khai là tinh thần giảng rộng có từ Kinh tạng: các đại đệ tử giảng rộng các lời dạy vắn tắt của Thế Tôn, như tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta), tôn giả Ca Chiên Diên (Kaccàna) …

– Từ ngữ Bồ-tát, tiếng Sanskrit viết là Bodhisattvà, Pàli viết là Bodhisattà: Bodhi có nghĩa là giác, giác trí, giác ngộ; sattà là biến cách thứ nhất (chủ cách) của từ sattu, là một hữu tình, một chúng sinh (being). Hán ngữ gọi Bồ-tát là Giác hữu tình (một hữu tình có giác trí).

Từ các chuyện Jàtaka, tiền thân của Thế Tôn thường được đề cập là Bồ-tát đang thực hành các ba-la-mật, nói rõ là Thập ba-la-mật (Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí tuệ, Phương tiện thiện xảo, Nguyện, Lực và Trí) hay Lục độ ba-la-mật (bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ) để cầu Nhất thiết trí (Phật quả), nhưng không giới thiệu cụ thể phát hành thành hệ thống giáo lý cho hàng Bồ-tát. Mãi đến thời kỳ Phật giáo phát triển (hay Đại thừa) thì giáo nghĩa, giáo hạnh, giáo giới về Bồ-tát mới được hệ thống thành một thừa gíáo và phổ biến rộng rãi: Bồ-tát giới, Bồ-tát tâm, Bồ-tát nguyện, Bồ-tát hạnh, Bồ-tát địa…

– Kinh Đại Bổn, Trường Bộ (Dighà Nikàya), Kinh Hi Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Majjhima Nikàya, Vol. III), Kinh Tập (Suttanipàta, Khuddka Nikàya) ghi rằng: Đức Thích Tôn là vị Bồ-Tát ở cung Đâu Xuất (Tusita, cõi trời thứ tư của Dục giới thiên) Đản sinh lúc vừa chấm dứt tuổi tho ở đó: đây là đời sống cuối cùng thành Phật. Như thế, theo giáo nghĩa Bồ-tát của Đại thừa, từ cung Đâu Suất Bồ-tát đã viên mãn quả vị Thập địa Bồ-tát: Pháp Vân địa.

– Hạnh nguyện chính của một vị Bồ-tát, theo Nguyên Thủy (Theravada) và Đại thừa (Phát triển) là “thượng cầu, hạ hoá”: trên thì cầu Phật trí, dưới thì hoá độ, dẫn dắt chúng sinh đến Phật trí. Bồ-tát hành tự độ và độ tha song song. Theo Đại thừa, tiêu biểu là kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm, Bồ-tát có ba sức mạnh đặc thù: trí tuệ là linh hồn, thiền định là sức mạnh, và tâm đại bi là sắc thái hạnh nguyện nổi bật trên đường độ sinh.

– Từ ý nghĩa “thượng cầu Phật quả”, về sau một hành giả phát khởi “bồ đề tâm” cầu giác ngộ thường được hiểu một cách rộng rãi là “bồ tát sơ phát tâm”. Ý nghĩa Bồ-tát rộng rãi nầy được trình bày trong 54 quả vị trước khi thành Phật Chánh Đẳng Giác của Hoa Nghiêm (với Pháp Hoa tông thì có 52 quả vị) là: Thập Tín, Thập Hạnh, Thập Trụ, Thập Hồi Hướng, Thập Gia hạnh, và Thập Địa.

II. Hoa Nghiêm Kinh và Thập địa Bồ-tát

– Từ giáo lý Lục độ hay Thập độ ba-la-mật của Bồ-tát, pháp hành cơ bản của một Bồ-tát hiện rõ: Giới, Định, Tuệ và tâm Đại bi độ sinh (cụ thể qua Tứ nhiếp pháp và Tứ vô lượng tâm) được hành viên mãn đến Niết bàn Vô thủ trước đầy đủ Nhất thiết trí.

– Kinh Hoa Nghiêm giới thiệu Bồ-tát hành Tứ nhiếp pháp trải qua 44 quả vị trước khi đi vào Thập địa (Dasa – bhùmi), đó là:

* Thập tín: hành giả hành Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh hành Bố thí nhiếp.
* Thập Hạnh: hành giả hành Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh hành Ái ngữ nhiếp.
* Thập Trụ: hành giả hành Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh hành Lợi hành nhiếp.
* Thập Hồi Hướng: hành giả tiếp tục công phu Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh hành Đồng sự nhiếp.

Tiếp theo, hành giả phát khởi và an trú vào giác tỉnh vô ngã (trí tuệ vô ngã) qua bốn quả vị lần lượt là Noãn, Nhẫn, Đảnh, và Thế đệ nhất. Tại Thế đệ nhất vị, hành giả thành tựu công phu vững trú ở trí tuệ vô ngã, và đi vào hành Thập địa Bồ-tát đạo.

– Thập địa Bồ-tát:

  1. Hoan Hỷ địa (Pramudità): Tại đây, Bồ-tát an trú vững chắc vào trí tuệ vô ngã, tâm sanh hoan hỷ, chứng đắc sự thật Ngã Không và Pháp Không. Bồ-tát khởi sự đạt được Thánh tánh (vào dòng Thánh)
  2. Ly Cấu địa (Vimalà): Tại nhị địa, Bồ-tát hành viên mãnGiới đức.
  3. Phát Quang địa (Prabhà-Karì): Tại tam địa, Bồ-tát hành viên mãn hạnhNhẫn nhục, đi sâu vào nội quán, thoát khỏi ràng buộc của đường tu (tu đạo: bhàvanà màrga)
  4. Diệm Huệ địa (Arcismatì): Tại tứ địa, Bồ-tát hành viên mãn hạnhTinh Tấn, phát triể mạnh năng lực thiền quán.
  5. Nan Thắng địa (Sudurjiayà): Tại ngũ địa, Bồ-tát hành viên mãn Công phuThiền định, đầy đủ nhân duyên để an trú vào Tánh Không tại thế gian.
  6. Hiện Tiền địa (Abhimukhì): Tại lục địa, Bồ-tát phát triển viên mãn tuệ vô ngã (Prajnà), thấy như thật tánh thanh tịnh của vạn hữu (bình đẳng ứng xử với tịnh và bất tịnh)
  7. Viễn hành địa (Dùramgama): Tại thất địa, Bồ-tát đoạn tận tập khí chấp Ngã, phát triển tâm đại bi cứu độ chúng sinh.
  8. Bất động địa (Acalà): Tại bát địa, Bồ-tát đoạn tận tập khí chấp Ngã và chấp Pháp, an trú vào vô tướng mà tự tại du hành độ sinh.
  9. Thiện Huệ địa (Sàdhumatì): Tại cữu địa, Bồ-tát thành tựu Thập lực Bồ-tát, (Dasabalà), có khả năng thuyết pháp độ sinh rộng rãi.
  10. Pháp Vân địa (Dharmameghà): Tại thập địa, Bồ-tát có thể thuyết pháp chỉ đường cho mọi căn cơ, như đám mây lớn cho mưa cho các loài cây lớn, cây nhỏ.

– Bồ-tát Thập địa, theo Kinh Hoa Nghiêm, hành kết hợp đủ Tứ nhiếp pháp: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự.

– Từ Bát địa, Bất Động địa, Bồ-tát được tôn xưng là Đại Bồ-tát (Mahàbodhisattvà)

III. Thập địa Bồ-tát và Tứ quả Sa môn (Nikàya)

1. Hữu Học vị và Thập địa

1.1. Thánh Tu-đà-hoàn (Sotapatti): Tu-đà-hoàn trừ xong Thân kiến (Sakkàyaditthi), nghi, và giới cấm thủ, nên về mặt tâm và tuệ giải thoát, thì tương đương với Hoan Hỷ địa và Ly cấu địa.

1.2. Thánh Tư-đà-hàm (Sakadagamì): làm yếu đi Dục và Sân, Thánh A-na hàm (Anàgamì) thì đoạn tận Dục và Sân, nên về mặt tâm và tuệ giải thoát, có thể xem tương đương với Nan Thắng địa (ngũ địa) có khả năng an trú vào Tánh Không.

2. Thánh Vô Học A-la-hán (Arahat) và Thập địa

Thánh A-la-hán đã đoạn tận 10 kiết sử: Thân Kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục, Sân, Hữu ái, Vô hữu ái, Mạn, Trào cử và Vô minh. Về mặt tâm và tuệ giải thoát, có thể xem là đã trừ sạch chấp thủ Ngã, Pháp, tương đương với Đại Bồ-tát Bất Động địa (Acalà)

Theo Nikàya, các A-la-hán vẫn có sự cao, thấp về tuệ giải thoát, về tâm giải thoát (thiền định và các thần thông) nên mới có các vị đệ nhất về trí tuệ, đệ nhất thần thông, đệ nhất thiền định v.v… có các A-la-hán và Đại A-la-hán. Đức Thế Tôn cũng là một A-la-hán, nhưng là A-la-hán tối thượng gọi là A-la-hán Chánh Đẳng Giác (Arahat-Sammasambuddha). Như thế, sự khác biệ giữa các Đại A-la-hán và các Đại Bồ-tát chỉ là sự khác biệt về sứ mệnhvai trò và danh xưng, trên thực tế giải thoát, các Đại A-la-hán có khả năng của một Đại Bồ-tát Cửu địa và Thập địa và an trú Lục độ Ba-la-mật.

IV. Pháp Hoa Kinh và Bồ-tát-thừa (Bodhisattvà-yàna)

– Kinh Pháp Hoa phân biệt có năm thừa giáo dành cho năm hạng căn cơ: Nhân, Thiên, Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát. Đặc biệt, Kinh chủ trương “Hội tam quy nhất”, thống nhất ba thừa Thinh Văn, Duyên giác và Bồ-tát thừa vào nhất thừa giáo gọi là Phật thừa (Buddha-yàna), xác định mục tiêu giải thoát tối hậu chỉ có một là Phật tri kiến. Do vì căn cơ của các hành giả khác nhau về trí tuệ, ý chí, thiên hướng, nguyện vọng, nên Thế Tôn phương tiện triển khai pháp ra năm thừa hay ba thừa. Điểm khác biệt của Pháp (Phật Pháp) là nằm ở căn cơ, khả năng của người đón nhận, mà không nằm ở Pháp, ở đích đến giải thoát của Pháp.

– Phẩm Thí dụ “ngôi nhà lửa” tam giới đang bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh, già,bệnh, chết, ưu, bi, khổ não, Đức Phật bèn phương tiện nói Pháp có ba thừa để kíp cứu chúng sinh ra khỏi nhà lửa. Khi hành giả ra khỏi khổ đau của hữu vi (sinh tử luân hồi) thì Đức Phật dạy chỉ có một Bồ-tát thừa (dụ cho xe Trâu) dẫn đến Phật quả. Như thế các vị Thánh A-la-hán, Bích Chi sau khi đoạn tận Ái, Thủ, đoạn tận được các nhân của sinh tử, mới chỉ đắc được Giải thoát thân (Vimukti – Kàya) mà chưa đắc được Pháp thân (Dharma-Kàya), còn cần hành đại bi tâm, độ khổ vô lượng chúng sanh mới có thể thành tựu Nhất thiết trí (Phật trí).

Sự khác biệt về khả năng thể nhập Pháp thân (Dharma Kàya) của ba bậc Thánh A la-hán, Bích Chi và Bồ-tát (Đại Bồ-tát) có thể được hiểu qua sự hình dung ba hình ảnh ở ví dụ sau:

* Ba người cùng mắc một món nợ lớn (nợ sinh tử); cả ba đều nỗ lực làm việc sinh lợi sau một thời gian dài để xóa nợ. Bấy giờ, một vị sau khi trả nợ xong, của cải tự thân không còn có bao nhiêu; vị thứ hai, sau khi trả nợ xong, tiền của còn lại khá nhiều có thể giúp đỡ nhiều người khác; vị thứ ba, sau khi trả nợ xong, của cải còn lại vô số có thể cứu giúp vô số người khác.

Cũng thế, cả ba bậc Thánh A-la-hán, Bích Chi và Đại Bồ-tát sau khi thoát ly sinh tử, được “giải thoát thân”, thì khả năng độ sinh để đắc Pháp thân có sự khác biệt. Ở đây, cái nhìn phân biệt các pháp của các bậc Thánh có mặt, nhưng cái tâm chấp thủ thì không.

Bồ-tát thừa ở Kinh Pháp Hoa có ý nghĩa như thế, và thế giới các bậc Thánh của Kinh Pháp Hoa được xếp từ thấp lên cao như sau:

Thinh văn —> Duyên Giác —> Bồ-tát —> Phật Chánh Đẳng Giác

– Các Kinh Nikàya không trực tiếp giới thiệu Bồ-tát thừa, nhưng cũng đã hé mở cho thấy rằng các A-la-hán sau khi đoạn diệt Ái, Thủ, Vô minh thì các khả năng về trí tuệ, thiền định, thuyết pháp độ sanh vẫn biểu hiện ở các cấp độ khác nhau qua lời tuyên bố của Thế Tôn về các vị A-la-hán đệ nhất trí tuệ, thiền định, thần thông v.v… và vẫn chưa vào Phật trí như Thế Tôn. Thế có nghĩa là các bậc Thánh A-la- hán đã giải thoát khỏi khổ sinh tử vẫn còn có việc phải làm để thể nhập Pháp thân (Dharmakàya). Đây là điểm từ đó thành lập Bồ-tát thừa về sau.

V. Vị trí Bồ-tát ở các kinh Đại thừa

– Các Kinh Đại thừa luôn giới thiệu thính chúng gồm có ba đối tượng:

* Chúng Thinh văn gọi là “chúng đương cơ”, đối tượng chính của các thời Pháp.
* Chúng Bồ-tát: gọi là “chúng hộ trì”, nghe Pháp để hộ trì, khích lệ chúng Thinh văn.
* Chúng Nhân, Thiện và Bát bộ phi nhân: gọi là “chúng Kết duyên”, nghe Pháp để kết duyên, mà chưa đủ duyên để hành trì.

– Kinh Pháp Hoa diễn đạt một Bồ-tát là pháp sư diễn nói Diệu Pháp cần hội đủ ba đức:

* “Nhập Như Lai thất” (ở ngôi nhà đại từ bi của Như Lai)
* “Trước như Lai y” (Mặc áo nhu hòa, nhẫn nhục của Như Lai)
* “Tọa Như Lai tòa” (ngồi chỗ ngồi an trú vào Tánh Không của Nhứt thiết pháp của Như Lai)

– Kinh Hoa Nghiêm thì khẳng định:

* Trí tuệ là linh hồn của một Bồ-tát.
* Thiền định là sức mạnh của một Bồ-tát.
* Từ bi là sắc thái ứng xử của một Bồ-tát.

– Kinh Pháp Hoa đã mở đầu với sự hiện diện của Bồ-tát Văn Thù (Biểu tượng của Nhất thiết trí) và kết thúc với hình ảnh của Bồ-tát đại hạnh Phổ Hiền (biểu tượng của sức mạnh hành trì).

– Kinh Hoa Nghiêm thì mở đầu với Bồ-tát Phổ Hiền và kết thúc với hình ảnh của Bồ-tát Văn thù (biểu tượng của Nhất thiết trí).

Kỹ thuật giới thiệu có khác nhau giữa hai Kinh, nhưng chủ ý thì chỉ có một: hành Bồ-tát hạnh để thể nhập Nhất thiết trí.

– Nếu linh hồn của một Bồ-tát là Trí tuệ (Prajnà), thì linh hồn của Bồ-tát hạnh (các phật sự của Bồ-tát) phải là giúp chúng sinh có Chánh kiến, trí tuệ để loại bỏ vô minh, tà kiến vốn là gốc của khổ đau. Các Phật sự khác của Bồ-tát là nhiếp hoá chúng sanh chỉ là phương iện. Thế nên, Bố Thí nhiếp trong “Tứ nhiếp pháp” của Thập địa Bồ-tát xác định Bố thí Pháp là tối thắng. Đây là Phật sự giúp chúng sanh phát khởi chánh kiến, hay phát khởi “tâm bồ đề”, và nuôi dưỡng chánh kiến, tâm bồ đề ấy, phát triển cho đến ngày mở ra Phật trí. Đây cũng là Phật sự trung thành thể hiện châm ngôn “Duy Tuệ Thị Nghiệp” của giáo lý Phật giáo. Sứ mệnh của Phật giáo là thế, và sứ mệnh của một Bồ-tát cũng là thế!

VI. Kết luận

Giữa biển sinh tử đầy vô thường, chúng sinh không thể tránh khỏi các khổ đau gây ra bởi các nhân tố khách quan và chủ quan. Nhân tố tác hại triền miên và lớn nhất vẫn là chính dục vọng, tham ái, chấp ngã của tự thân mỗi chúng sinh. Chúng sinh luôn luôn cần sự giúp đỡ, khích lệ, hộ trì của vô lượng bàn tay của các thiện hữu và của chư Bồ-tát. Ngay dưới thời Đức Phật, Ngài thấy, ngoài đoàn thể chư Tăng đông đảo và trí tuệ, đức hạnh, còn cần tổ chức các đoàn thể cư sĩ hành hạnh lợi tha (như hạnh Bồ-tát) để trải rộng và sâu các Phật sự vào cuộc đời. Tăng Chi Bộ Kinh IV, phẩm Gia Chủ Hatthaka (Anguttara – Nikàya, Vol. IV) ghi lại pháp môn “Tứ nhiếp pháp” mà Thế Tôn truyền dạy riêng cho cư sĩ Hatthaka (đã đắc Thánh quả A-na-hàm; cả cư sĩ Citta cũng thế) để lãnh đạo thành công việc sinh sống, tu tập của một chúng cư sĩ 500 người. Kinh Hoa Nghiêm đã kết hợp Tứ Nhiếp pháp vào Phật sự của chư Bồ-tát Thập điạ, và cả 44 quả vị trước trước Thập địa, nói lên rằng chư Bồ-tát có thể đi đến Nhất thiết trí trong Phật sự độ sinh, và chúng sinh khổ đau có thể đến với trí tuệ Phật giáo trong đời sống gia đình phàm trần của họ. Hoa Nghiêm, và cả các Kinh Đại thừa Phật giáo, đồng thời cũng nói lên rằng chúng sinh rất khẩn thiết cần đến sự giúp đỡ của trí tuệ vô ngã và lòng đại bi của chư Bồ-tát. Phật sự phát huy Phật giáo trong mọi thời đại cũng khẩn thiết cần đến sự biểu hiện của trí tuệ và lòng đại bi ấy giữa cuộc đời. Đây là ý nghĩa của sự ra đời của chư Bồ-tát, Bồ-tát hạnh và Bồ-tát thừa mà từ ngữ Bodhisattà đã gợi ý: một chúng sinh có trí tuệ đi ra khỏi khổ đau, và đưa các chúng sinh về với trí tuệ đi ra khỏi khổ đau.

 
Tháng 5-2004
Tỷ kheo Chơn Thiện

Scroll to Top